Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai trong tình hình mới

Đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai cho người dân; đầu tư, củng cố nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai (PCTT), mua sắm vật tư PCTT, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn (TKCN); lồng ghép nội dung PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH... là những giải pháp thiết thực mà Vĩnh Phúc đã và đang triển khai, nhằm nâng cao năng lực, chủ động phòng, ngừa ứng phó trước những diễn biến phức tạp, cực đoan của thời tiết và khó lường của thiên tai.

Đê sông Phó Đáy, đoạn qua địa phận huyện Lập Thạch được kè lát mái kiên cố. Ảnh: Thế Hùng

Đê sông Phó Đáy, đoạn qua địa phận huyện Lập Thạch được kè lát mái kiên cố. Ảnh: Thế Hùng

Thực hiện Chiến lược Quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thiên tai, rủi ro thiên tai thông qua công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức đa dạng đến nhiều đối tượng.

Tuyên truyền về phòng ngừa ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai gắn với tuyên truyền nhiệm vụ phát triển KT - XH; đăng tải kịp thời các Công điện, Điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh về công tác phòng, chống, ứng phó tình hình diễn biến thời tiết bất thường để các cơ quan, doanh nghiệp (DN) và nhân dân trên địa bàn nắm bắt, chủ động phòng ngừa nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; trong đó, có việc vận động, hướng dẫn cài đặt ứng dụng “PCTT” trên điện thoại thông minh...

UBND tỉnh đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia PCTT năm 2021 và kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống PCTT Việt Nam; kiện toàn tổ chức bộ máy PCTT &TKCN các cấp.

Năm 2021, tỉnh đã tiếp nhận từ Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN 5 bộ nhà bạt, 500 chiếc phao tròn cứu sinh, 2.000 chiếc áo phao cứu sinh, 10 chiếc phao bè nhẹ và 1 bộ máy bơm chữa cháy; tổ chức 6 cuộc diễn tập ứng phó bão, lụt, tìm kiếm cứu nạn và 2 cuộc diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng cấp xã.

Rút kinh nghiệm, nâng cao khả năng điều hành của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng quân sự, công an với nhân dân trong ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN xảy ra trên địa bàn.

Trong năm 2021, tỉnh đã tiến hành xây dựng 2 công trình kè chống sạt lở bờ sông chiều dài 500 m; sửa chữa các điếm canh đê, các cống dưới đê, hành lang chân đê với tổng số tiền 30 ỷ đồng; sửa chữa, khắc phục khẩn cấp các hồ đập từ nguồn Quỹ PCTT tỉnh với tổng giá trị 8,3 tỷ đồng.

Ban hành quy định các tiêu chí đảm bảo yêu cầu PCTT trong việc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Qua khảo sát, tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt 98,9%; nhà thiếu kiên cố, đơn sơ 1,1% thấp hơn so với cả nước (6,9%).

Giao Sở KH&ĐT phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng các Phương án PCTT, phòng lũ, đê điều và thủy lợi gắn với quy hoạch sử dụng đất và phù hợp với kế hoạch phát triển KT - XH để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022.

Sở NN và PTNT đã hoàn thiện dự thảo Kế hoạch PCTT tỉnh giai đoạn 2021-2025, lập bản đồ rủi ro thiên tai lấy ý kiến của các sở, ban, ngành; xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.

Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu vừa PCTT trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo và Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp được đẩy mạnh.

Trước những diễn biến thiên tai, thời tiết ngày càng bất thường, trái quy luật; một số hiện tượng thời tiết cực đoan khó dự báo như mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá..., trong năm 2022, cùng với việc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ năng PCTT; đầu tư trang thiết bị cho lực lượng xung kích.

Kiện toàn tổ chức, bộ máy PCTT&TKCN theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, tỉnh sẽ đánh giá hiện trạng đê điều và các công trình PCTT, từ đó, có kế hoạch đầu tư, tu sửa bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập theo mức thiết kế; hoàn thiện các phương án PCTT, phòng lũ, đê điều và thủy lợi tích hợp trong quy hoạch của tỉnh.

Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Hồng Nhật

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72035/nang-cao-nang-luc-phong-chong-thien-tai-trong-tinh-hinh-moi.html