Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp

Nhằm tạo ra những thay đổi thực chất, từng bước nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp trong xu thế hội nhập, thời gian qua, tỉnh ta đã thực thi nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đặc biệt tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và hình thành cụm ngành công nghiệp đối với một số ngành công nghiệp ưu tiên... Qua đó, nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, tạo tác động lan tỏa và dẫn dắt việc cơ cấu lại ngành công nghiệp của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung.

Công ty Toyota Việt Nam tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và đóng góp lớn cho ngân sách địa phương. Ảnh: Thế Hùng

Công ty Toyota Việt Nam tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và đóng góp lớn cho ngân sách địa phương. Ảnh: Thế Hùng

Trong giai đoạn 10 năm (2011- 2020), tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp của Vĩnh Phúc đạt 9,92%/năm, đóng góp 3,57 điểm phần trăm vào tăng trưởng nền kinh tế; trong khi ngành dịch vụ đóng góp 2,27 điểm, ngành nông nghiệp đóng góp 0,18 điểm và ngành xây dựng đóng góp 0,53 điểm.

Từ một tỉnh thuần nông, sau 25 năm tái lập, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Đặc biệt, việc đề ra và thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp linh hoạt theo từng thời kỳ, phù hợp với những làn sóng đầu tư mới, theo hướng phát triển có chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đã tạo được sức hút lớn của tỉnh đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần thúc đẩy KT- XH của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Tính riêng giai đoạn 5 năm (2016- 2020), Vĩnh Phúc thu hút được 2,86 tỷ USD vốn FDI và hơn 56 nghìn tỷ đồng vốn DDI. Đáng nói, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư càng được khẳng định rõ hơn trong bối cảnh dịch bệnh với dòng vốn FDI vượt ngưỡng 1 tỷ USD trong năm 2021.

Cũng thời gian này, các khu công nghiệp của tỉnh đạt con số kỷ lục thu hút đầu tư với 45 dự án mới, gồm 17 dự án DDI, tổng vốn đầu tư 7.695,2 tỷ đồng (chiếm gần 46% tổng vốn thu hút đầu tư toàn tỉnh và bằng 1/3 vốn đầu tư trong nước), 53 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 952,44 triệu USD, chiếm 93,8% vốn đầu tư toàn tỉnh và bằng gần 1/5 tổng vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp từ năm 1997 đến nay. Nhiều doanh nghiệp (DN) “tên tuổi” đóng góp cao cho công nghiệp tỉnh như: Honda, Piaggio, VPIC1, Partron Vina, Haesung Vina, Thép Việt Đức, Prime Group…

Tuy nhiên, mặc dù đạt được những thành quả đáng ghi nhận, song, so với tiềm năng, lợi thế thì hiệu quả sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh nhìn chung còn thấp. Một số ngành công nghiệp vẫn phát triển theo chiều rộng, giá trị gia tăng thấp; chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp nên hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; khoa học công nghệ chưa là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất ngành công nghiệp…

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và còn kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư và SXKD của các DN, việc phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là chủ trương đúng và “trúng”, phù hợp với tình hình thực tế, nhằm tạo ra những thay đổi thực chất trong một số ngành công nghiệp, không chỉ có tác động lan tỏa và dẫn dắt việc cơ cấu lại toàn ngành công nghiệp, mà còn tăng cường mối liên kết, quan hệ sản xuất giữa các DN DDI với DN FDI.

Cùng với tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Vĩnh Phúc tập trung cao độ cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tăng cường và nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp.

Chú trọng ưu tiên các dự án đầu tư công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, công nghệ năng lượng mới, dự án dịch vụ khu công nghiệp; không tiếp nhận, cấp phép cho những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái.

Nằm trong các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, mới đây nhất, tháng 7/2021, UBND tỉnh đã ra Quyết định “Về việc phê duyệt đề cương đề án phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao căng suất, chất lượng sản phẩm giai đoạn 2021- 2030”.

Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, định hướng trong giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030, ngoài 19 KCN đã quy hoạch, tỉnh sẽ điều chỉnh, mở rộng và quy hoạch bổ sung 8 KCN, đưa số lượng KCN của tỉnh lên 27 khu; đồng thời, bổ sung thêm 17 CCN đưa số lượng CCN được định hướng quy hoạch là 45 CCN. Trước mắt, để đón đầu dòng vốn FDI, dự kiến giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng từ 23 đến 25 khu công nghiệp.

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII phấn đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, việc chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Việc đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, từng bước nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp của tỉnh trên thị trường khu vực và thế giới. Cùng với đó là nâng cao trình độ quản lý, quản trị DN và nguồn nhân lực của tỉnh để theo kịp yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Anh Tú

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76240/nang-cao-nang-suat-chat-luong-san-pham-va-nang-luc-canh-tranh-nganh-cong-nghiep.html