Nâng cao nhận thức cho người dân sử dụng nước sạch

ĐBP - Mục đích của dự án cấp nước trung tâm xã Thanh Hưng, Thanh Luông và các bản lân cận huyện Điện Biên do Ban Quản lý dự án chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư; trong đó, khu vực người dân xã Thanh Hưng, Thanh Luông được thụ hưởng, góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng như cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên sau gần 2 năm nhận bàn giao, quản lý, vận hành khai thác công trình từ Ban Quản lý dự án chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Doanh nghiệp Tư nhân Hoàng Sơn; Công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên đã và đang gặp phải nhiều khó khăn trong vấn đề khai thác hiệu quả công trình sau đầu tư tại khu vực này. Xuất phát từ việc lượng khách hàng sử dụng quá thấp so với số khách hàng nhận bàn giao quản lý thực tế, chưa kể tới lượng nước tiêu thụ...

Gia đình chị Tòng Thị Hoa, bản Hồng Lếch Cuông, xã Thanh Hưng dù đăng ký sử dụng nước sạch từ khi bắt đầu triển khai dự án, tuy nhiên sau gần 2 năm được lắp đặt đường ống nước, đồng hồ đo nước vẫn chưa sử dụng.

Ông Phạm Trọng Nguyện, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên cho biết: Công ty chưa chính thức nhận bàn giao công trình cấp nước trung tâm xã Thanh Hưng, Thanh Luông và các bản lân cận huyện Điện Biên. Tuy nhiên để kịp thời cấp nước cho nhân dân trên địa bàn, tháng 8/2019 Công ty mới chỉ tạm thời tiếp nhận quản lý 3.907 khách hàng; trong đó chỉ có 1.813 khách hàng sử dụng nước, đạt 47% tổng số khách hàng nhận quản lý. Không những khách hàng thực tế sử dụng ít mà mức tiêu thụ nước của người dân khu vực này cũng vô cùng… “khiêm tốn”. Với quan điểm khi tiếp nhận công trình là góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho người dân, nâng cao sức khỏe cộng đồng và cũng là nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án nên với địa bàn rộng, Công ty đã bố trí 6 người quản lý tại khu vực này để đảm bảo ổn định việc vận hành, phục vụ nhu cầu sử dụng nước của người dân. Cụ thể là 3 nhân viên quản lý và ghi chốt đồng hồ, 3 nhân viên thu ngân. Ngoài ra, đơn vị đã bố trí 2 công nhân vận hành 2 trạm bơm tăng áp để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong khu vực vào các khung giờ, các ngày cố định theo lịch đã được công khai và thông báo đến người dân.

Ông Nguyện cũng thông tin, từ khi nhận quản lý gần 2 năm qua cho đến nay doanh thu mới chỉ đạt trên 70 triệu đồng/tháng từ 1.168 khách hàng sử dụng nước (trong tổng số 2.181 khách hàng nhận quản lý) ở khu vực xã Thanh Hưng; còn khu vực xã Thanh Luông có 645 khách hàng sử dụng (trong tổng số 1.726 khách hàng nhận quản lý thực tế) doanh thu chưa đầy 31 triệu đồng/tháng. Như vậy, chưa bù đắp được chi phí sản xuất và quản lý.

Chị Lò Thị Son, bản Hồng Lếch Cuông, xã Thanh Hưng là người sử dụng nước máy ngay từ khi được lắp đặt công tơ, đường ống nước dẫn về tận cổng. Chị Son cho biết: Dùng nước máy rất tiện, lại đảm bảo vệ sinh. Tới giờ bơm nước mà Công ty Cổ phần Cấp nước Điện Biên đã thông báo, gia đình tôi lấy nước vào téc, sau đó sử dụng dần...

Anh Bùi Hồng Khuýnh, công nhân vận hành bơm cho biết: Do địa hình cung cấp nước rộng và phức tạp nên dự án đã lắp đặt 2 máy bơm tăng áp công suất lớn tại khu vực đầu tuyến để bơm nước vào các khung giờ cố định cho người dân ở khu vực cao sử dụng. Tại khu vực xã Thanh Hưng thời gian bơm nước từ 7 - 12 giờ vào các ngày cố định thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. Khu vực xã Thanh Luông cấp nước từ 10 - 14 giờ các ngày thứ 2 và thứ 5 hàng tuần.

Đường ống cấp nước được lắp đặt tới tận cổng nhà dân, song không phải hộ nào cũng sử dụng nước máy như gia đình chị Lò Thị Son. Trước cổng nhà bà Lường Thị Ọm là đồng hồ nước được đậy nắp bảo vệ bằng nhựa cứng hình chữ nhật đã phơi màu thời gian. Anh Phan Văn Hải, nhân viên chốt số của Đội Cấp nước huyện Điện Biên mở đếm số rồi bảo, sau gần 2 năm sử dụng mà gia đình bà Ọm mới dùng gần 2m3 nước; trong đó chỉ số đồng hồ đã có 1m3 kiểm định đồng hồ. Với giá nước sinh hoạt tính trong 10m3 đầu sử dụng là 8.400 đồng/m3 thì gần năm qua thu chưa nổi chục nghìn đồng.

Cách vị trí đồng hồ nước của gia đình bà Ọm chưa tới chục mét là chiếc giếng khoan sử dụng bơm nước để dẫn nước về nhà. Bà Ọm bảo, có nước máy rồi nhưng gia đình không có tiền mua thùng chứa nước, thế nên thay vì sử dụng nước máy hàng ngày bà vẫn dùng nước giếng khoan. Không chỉ bà Ọm, kế bên gia đình người con trai bà Ọm (anh Lường Văn Thân) cũng đang sử dụng nước giếng dù đường ống dẫn nước được lắp đặt về tới cổng. Lý do không sử dụng nước máy, là vì không có tiền để trả tiền nước hàng tháng.

Theo quan sát của chúng tôi, ở vị trí cao nhất khu vực Hồng Lếch Cuông - ngôi nhà chị Tòng Thị Hoa dựa lưng vào sườn đồi nhưng vào khung giờ bơm nước, lưu lượng và áp lực nước đẩy mạnh về tới tận cổng nhà, song nhà chị Hoa cũng không sử dụng nước máy. Chị Hoa bảo, đăng ký sử dụng nước sạch từ khi bắt đầu triển khai dự án, tuy nhiên đến khi được lắp đặt đường ống nước, đồng hồ đo nước thì nhà mình cũng chưa dùng. Lý do chị Hoa đưa ra là vì thấy nói khu vực gia đình đang ở thuộc diện giải tỏa nên đợi tới khi ổn định tại nơi ở mới rồi sẽ sử dụng nước máy.

Trao đổi với ông Lò Văn Duyên, Trưởng bản Hồng Lếch Cuông (xã Thanh Hưng) về tình trạng này, ông Duyên cho biết, cả bản có 152 hộ, trong đó 8 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo. Tuy nhiên thực trạng nhiều hộ dân trong bản không sử dụng nước máy hoặc rất ít sử dụng chủ yếu là không có tiền, lại thêm nguồn nước sẵn có từ nước giếng bao năm qua nên thói quen dùng nước giếng còn đó. Không chỉ ở bản Hồng Lếch Cuông mà tại khu vực xã Thanh Luông tình trạng tương tự cũng xảy ra, dẫn tới chỉ có 645 khách hàng sử dụng, đạt hơn 37% số khách hàng nhận bàn giao quản lý thực tế.

Mục tiêu cao nhất của dự án khi triển khai là góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng như cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên những gì đã và đang diễn ra ở khu vực xã Thanh Hưng, Thanh Luông trong việc sử dụng nước máy cho thấy chưa đạt mục tiêu. Và để thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh thì cấp ủy, chính quyền cơ sở cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa của việc sử dụng nước sạch trong nhân dân.

Bài, ảnh: Minh Thùy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/187952/nang-cao-nhan-thuc-cho-nguoi-dan-su-dung-nuoc-sach