Nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh có 18 lớp, với 570 học sinh, phần lớn là người dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho học sinh.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh tổ chức tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm HIV/AIDS cho các em học sinh.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh tổ chức tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm HIV/AIDS cho các em học sinh.

Cô giáo Bùi Thị Kiều Oanh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, cho biết: Nhà trường xác định công tác TTPBGDPL có ý nghĩa trong việc giúp học sinh nâng cao hiểu biết, có ý thức chấp hành pháp luật, giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên và ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập học đường. Ngay từ đầu năm học nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch PBGDPL, tổ chức sinh hoạt theo chủ đề, chủ điểm của từng tháng như: “Tháng An toàn giao thông”, “Tháng Giáo dục pháp luật”, “Ngày Pháp luật Việt Nam” và các chủ đề về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS... cho các khối lớp.

Thông qua các hình thức TTPBGDPL giúp học sinh tiếp thu kiến thức về pháp luật và có sân chơi lành mạnh, bổ ích. Em Bùi Văn Lê, học sinh lớp 12C, chia sẻ: “Qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, các buổi học, sinh hoạt ngoại khóa và các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức pháp luật chúng em không chỉ được trang bị thêm các kiến thức pháp luật cho bản thân mà còn được rèn luyện thêm kỹ năng thực tế trong cuộc sống, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật”.

Hằng năm, nhà trường đã tập trung đẩy mạnh công tác TTPBGDPL với nhiều hình thức theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động, sát với thực tiễn của cán bộ, giáo viên và học sinh như: tổ chức tuyên truyền pháp luật trong các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần; các hoạt động ngoại khóa; giáo dục ngoài giờ lên lớp; sinh hoạt theo chủ đề, chủ điểm; nói chuyện chuyên đề pháp luật cho học sinh tạo môi trường cởi mở, thân thiện giúp học sinh dễ dàng tiếp thu các kiến thức pháp luật. Đồng thời, xây dựng và duy trì các mô hình học sinh tự quản về an toàn giao thông, an ninh - trật tự để giúp các em được trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật.

Đáng nói hơn, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn như thể dục, quốc phòng, nhạc, văn, sử, địa trong quá trình giảng dạy lồng ghép tuyên truyền, phổ biến những kiến thức pháp luật an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường; phòng, chống ma túy, an ninh mạng. Nhà trường cũng giao cho đoàn thanh niên xây dựng chương trình phát thanh qua hệ thống loa máy ở ký túc xá, với thời lượng 1 tuần 3 buổi sau giờ học (18h30), trong đó có 1 buổi PBGDPL cho các em học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh, Công an phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) tổ chức tiết học sinh hoạt dưới cờ đầu tuần để TTPBGDPL cho các em học sinh. Thông qua công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật giữa trường với công an có ý nghĩa rất thiết thực, tạo hiệu ứng và có sức lan tỏa rất lớn đối với các em học sinh trong việc nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật. Qua đó, giúp các em nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống, tự giác thực hiện tốt pháp luật, giảm thiểu các hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và hình thành ý thức, thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, không vi phạm pháp luật, biết cách phòng tránh, tự bảo vệ mình.

Bài và ảnh: Công Quang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nang-cao-nhan-thuc-phap-luat-cho-hoc-sinh-33605.htm