Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân
Nâng cao hiệu lực quản lý của cơ quan Nhà nước ở địa phương; đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật và duy trì phong trào văn hóa đọc trong cán bộ, công chức và nhân dân, là kết quả nổi bật trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Ông Quàng Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Hiện, toàn tỉnh có 227 tủ sách pháp luật, trong đó, có 114 tủ sách pháp luật thuộc các xã đặc biệt khó khăn, biên giới. Các tủ sách pháp luật được trang bị tương đối đầy đủ tài liệu, đề cương giới thiệu các luật, pháp lệnh; tài liệu hỏi đáp, hướng dẫn pháp luật, tờ gấp pháp luật; tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về các lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của địa phương; các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến nghiệp vụ, hoạt động công vụ và các lĩnh vực người dân quan tâm...
Hàng năm các huyện đều chủ động bố trí kinh phí mua sắm, bổ sung các đầu sách; phân công cán bộ, công chức quản lý; trung bình mỗi tủ sách pháp luật có trên 600 đầu sách. Địa điểm phòng đọc phù hợp, thuận tiện cho người mượn và đọc sách đảm bảo khoa học, tra cứu thuận tiện. Từ thực tiễn, các tủ sách pháp luật đóng vai trò giúp người dân tiếp cận chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhờ đó, nâng cao nhận thức và chấp hành các quy định của pháp luật, giảm bớt tình trạng khiếu kiện gây lãng phí về thời gian và tiền của cho Nhà nước và công dân.
Là huyện biên giới, đến nay, 17/19 xã, thị trấn của huyện Sông Mã đã có tủ sách pháp luật với 10.761 đầu sách được sắp xếp gọn gàng. Người đọc đến mượn sách đều được cán bộ Hộ tịch - Tư pháp ghi chép vào sổ theo dõi đúng quy định. Tại xã Chiềng Khương, tạo thuận lợi cho người đọc tra cứu thông tin, ngoài TSPL, xã bố trí 2 máy vi tính kết nối internet. Anh Phạm Văn Chung, cán bộ xã Chiềng Khương, cho biết: Tôi được giao phụ trách công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tôi thường xuyên tìm hiểu các tài liệu liên quan đến Luật Khiếu nại, tố cáo tại tủ sách pháp luật của xã, để hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ trong công tác khiếu nại, tố cáo.
Tủ sách pháp luật không chỉ có cán bộ tìm đọc các tài liệu mà còn có rất nhiều người dân đến tìm đọc, nghiên cứu, tìm hiểu thông tin liên quan đến Luật Đất đai, Luật Hôn nhân, Luật Dân sự... Ông Tẩn Văn Pặp, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) cho hay: Tôi thường xuyên đến mượn sách về đọc. Tuy nhiên, tủ sách pháp luật ở xã chỉ mở vào giờ làm việc, thời gian đó thì chúng tôi thường đi làm nương và hay về muộn, nhiều khi muốn mượn sách để đọc thì đã đóng cửa. Tôi rất mong thời gian tới cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện xây dựng tủ sách pháp luật xuống các bản, hay mở cửa vào một ngày cuối tuần, để người dân có cơ hội tiếp cận với các chính sách pháp luật.
Ông Quàng Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết thêm: Để duy trì và khai thác hiệu quả các tủ sách pháp luật, tỉnh Sơn La đề nghị Bộ Tư pháp sớm có văn bản hướng dẫn việc lựa chọn sách, tài liệu phù hợp, có giá trị để số hóa, cập nhật sách, tài liệu pháp luật... đưa vào dữ liệu của TSPL điện tử quốc gia và sớm đưa tủ sách pháp luật điện tử quốc gia vào vận hành, khai thác sử dụng, áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.
Việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật là rất cần thiết, không những cung cấp thông tin pháp luật cho người dân, mà còn góp phần xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo tiêu chí 18.5 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới về chuẩn tiếp cận pháp luật. Rất mong các ngành, địa phương quan tâm, đầu tư kinh phí để bổ sung các tài liệu liên quan đến pháp luật; sách pháp luật vào các “Thư viện xanh” của trường học, tổ chức hội nghị tuyên truyền gắn với TSPL lưu động... Qua đó, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật và tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.