Nâng cao nhận thức về gia đình

Mặt trái của kinh tế thị trường có tác động không nhỏ tới đời sống xã hội. Vì chạy theo đồng tiền và lối sống thực dụng làm không ít gia đình bất an. Bạo lực xảy ra từ gia đình; ly hôn tăng, nếu như năm 2005 toàn tỉnh có 830 vụ, năm 2010 có 1.472 vụ, thì năm 2019 tăng lên 2.983 vụ. Tình trạng tảo hôn, xâm hại tình dục trẻ em chưa chấm dứt… Nhằm hạn chế hiện tượng này, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh đã nỗ lực vào cuộc thông qua các hoạt động tuyên truyền, truyền thông với mục đích nâng cao nhận thức của cán bộ và các tầng lớp nhân dân về vai trò của gia đình trong đời sống xã hội.

Tuyên truyền về phòng, chống bạo lực cho hội viên phụ nữ xã Tân Hòa (Phú Bình). Ảnh: K.H

Tuyên truyền về phòng, chống bạo lực cho hội viên phụ nữ xã Tân Hòa (Phú Bình). Ảnh: K.H

Theo ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng Phòng Xây dựng đời sống Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Hiện, toàn tỉnh có 321.982 gia đình, 2.336 xóm, tổ dân phố, 178 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố và thị xã. Với chức năng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Công tác gia đình của tỉnh, Sở luôn chủ động triển khai các chiến lược, chương trình, đề án và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện của Trung ương và của tỉnh đến các cấp, ngành, đơn vị liên quan. Nội dung các chỉ thị được Sở cụ thể hóa và thực hiện lồng ghép, gắn với thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu và phát triển bền vững; khuyến khích các tập thể, cá nhân tham gia các hoạt động liên quan tới công tác gia đình.

Trên địa bàn tỉnh có 44 đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ gia đình, tăng 35 cơ sở; 75 đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, tăng 45 cơ sở; hơn 658 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho công tác gia đình, tăng 526 triệu đồng (số liệu năm 2019 so sánh với năm 2005).

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Trong thời gian 15 năm vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức hàng chục cuộc thi, hội thảo, tọa đàm có chủ đề về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Vào các ngày lễ lớn của đất nước và các ngày Quốc tế Hạnh phúc; Ngày Gia đình Việt Nam; Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ...

Sở tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền lưu động, căng treo hàng trăm tấm băng rôn, pano, khẩu hiệu cỡ lớn tại những vị trí tập trung đông người. Cũng trong giai đoạn này, Sở tổ chức biên soạn, phát hành 3.500 cuốn tài liệu về công tác gia đình; 3.500 cuốn tài liệu “Hướng dẫn sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững”; 5.000 đĩa CD tuyên tuyền về phòng, chống BLGĐ; 20.760 cuốn sách về gương người tốt, việc tốt trong thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và chương trình xây dựng nông thôn mới; 360 cuốn sổ ghi chép số liệu về gia đình và phòng, chống BLGĐ cho cấp xã; 16.150 tờ gấp tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; tuyên truyền trên Bản tin Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Ngành; cấp phát 1.500 cuốn Luật Phòng, chống BLGĐ, 3.000 cuốn Luật Hôn nhân và Gia đình; cấp phát 25.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống BLGĐ, 3 tập sách có chủ đề Giáo dục đời sống gia đình; Hỏi đáp về Luật Phòng, chống BLGĐ; Luật Bình đẳng giới; Kịch bản tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ.

Đặc biệt trong năm 2019, trên toàn tỉnh có 7.782 gia đình được hỗ trợ về nhà ở; 13.621 lượt người được tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình; hơn 105.000 lượt người được tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng làm cha, mẹ, về chuẩn mực và giá trị trong gia đình, kỹ năng giáo dục con cái; kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi; bình đẳng giới trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Từ cơ sở xóm, tổ dân phố đã thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả của 805 CLB phòng, chống BLGĐ, CLB gia đình phát triển bền vững; 1.531 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 319 nhóm phòng, chống BLGĐ và 471 đường dây nóng.

Nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác gia đình, hằng năm các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, UBND các huyện, thành phố và thị xã tổ chức các lớp tập huấn về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ. Bình quân 1 năm tổ chức 2 lớp, mỗi lớp có gần 200 người tham gia. Nội dung tập huấn chủ yếu về kỹ năng vận động thành lập và điều hành hoạt động CLB; kỹ năng tư vấn hòa giải, giải quyết mâu thuẫn trong phòng, chống BLGĐ.

Với các cơ quan, đơn vị và địa phương cũng đã chủ động triển khai thực hiện công tác gia đình theo đúng chức năng nhiệm vụ, như tập trung vào việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; kỹ năng ứng xử trong gia đình; gìn giữ và phát huy các giá trị gia đình truyền thống; phòng, chống BLGĐ; bình đẳng giới trong gia đình; phát huy vai trò của trẻ em và người cao tuổi trong gia đình. Kết quả đến nay, trên toàn tỉnh có 291.633 trên tổng số 321.983 hộ được công nhận Gia đình văn hóa, đạt 90,57%.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/nang-cao-nhan-thuc-ve-gia-dinh-272882-85.html