Nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách về công nghệ
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chỉ đạo các đơn vị ngành Ngân hàng nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng các công nghệ mới của CMCN 4.0 vào toàn diện các hoạt động của NHNN và các TCTD, tạo điều kiện chuyển đổi sang mô hình Chính phủ điện tử tại NHNN và mô hình ngân hàng số tại các TCTD.
Chú trọng đầu tư hiện đại hóa CNTT
Phát biểu tại Hội nghị Giám đốc Công nghệ thông tin ngành Ngân hàng năm 2019 (Hội nghị CIO 2019) diễn ra cuối tuần qua, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, trong giai đoạn 2017-2018 và 6 tháng đầu năm 2019, nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được NHNN ban hành để điều chỉnh các hoạt động công nghệ thông tin (CNTT) phù hợp với Chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn và tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và đồng bộ cho việc ứng dụng CNTT của ngành Ngân hàng.
Báo cáo cụ thể hơn về tổ chức triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT của các TCTD giai đoạn 2017 - 2020, ông Phan Thái Dũng – Phó Cục trưởng Cục CNTT thuộc NHNN Việt Nam cho biết, các TCTD chú trọng ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa hệ thống CNTT phục vụ tổng thể cho điều hành nội bộ, cải thiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Nhiều kênh thanh toán dịch vụ mới thuận tiện, chi phí thấp, cung ứng 24/7 đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng và thúc đẩy hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Hiện tại đã có hơn 100 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 41 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động... Số lượng giao dịch thanh toán qua các kênh này cũng đang ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ. Trong quý I/2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng khoảng 66% so với cùng kỳ năm 2018.
Cùng với xu hướng phát triển CMCN 4.0, các TCTD đã triển khai và đạt được một số thành công nhất định trong số hóa và ứng dụng công nghệ hiện đại trong các hoạt động tài chính – ngân hàng như: Digital banking/Digital Lab (ngân hàng số); Timo Bank, ATM + Livebank... Một số TCTD đã hợp tác thành công với các Fintech để đưa công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như áp dụng sinh trắc học, sử dụng QR code, công nghệ mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), công nghệ mPOS, ví điện tử... Bước đầu, việc nghiên cứu và áp dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa bằng robot (RPA), chuỗi khối (Blockchain)... cũng đã được thực hiện tại một số TCTD.
Còn nhiều thách thức
Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo lãnh đạo Cục CNTT, việc ứng dụng CNTT vẫn còn những tồn tại hạn chế như nguồn nhân lực cho công tác an toàn thông tin còn thiếu; nhiều TCTD chưa triển khai các giải pháp theo dõi giám sát về an toàn thông tin để chủ động phòng ngừa, ứng cứu các sự cố trước hoặc ngay khi xảy ra. Thách thức lớn nữa đối với vấn đề ứng dụng công nghệ hiện đại tại các TCTD là khung pháp lý chưa hoàn thiện.
“Là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh, nhiều công nghệ mới được áp dụng vào các hoạt động, nghiệp vụ tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý còn chưa đồng bộ, nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn không kịp điều chỉnh theo tốc độ phát triển của CNTT nên chưa tạo thuận lợi để hệ thống ngân hàng ứng dụng các công nghệ mới”, lãnh đạo Cục CNTT bày tỏ lo ngại và lấy dẫn chứng, điển hình nhất là quy định về nhận diện và xác minh thông tin khách hàng (KYC).
Theo Luật Phòng chống rửa tiền và các quy định liên quan, một số nghiệp vụ khi thiết lập quan hệ lần đầu với khách hàng thì NHTM phải gặp mặt trực tiếp khách hàng để xác minh thông tin. Quy định này sẽ hạn chế khả năng lan tỏa của dịch vụ tài chính. Nếu được ứng dụng các công nghệ mới như nhận dạng hình ảnh, sinh trắc học, vấn đề nhận diện khách hàng điện tử (e-KYC) qua thẻ căn cước công dân, được kết nối giữa Bộ Công an và các bộ, ngành sẽ tạo ra đột phá về cải cách hành chính, tiết kiệm lớn về chi phí tuân thủ…
Về phần mình các TCTD không chỉ lo lắng về những khoảng trống chính sách mà còn chịu thách thức từ môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh. Phó Tổng giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân nhấn mạnh, sự cạnh tranh trong ứng dụng công nghệ số hóa ngân hàng đang rất khốc liệt với sự ra đời của hàng loạt ví điện tử như VNPay, Moca, VID... với những chính sách ưu đãi vượt trội, thậm chí, các ví này chấp nhận bù lỗ để chiếm lĩnh thị phần.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng phải hợp tác đầu tư công nghệ để giảm tối đa chi phí vận hành, tiết giảm chi phí dịch vụ cho khách hàng, đảm bảo sức cạnh tranh của ngân hàng. Lãnh đạo các ngân hàng cũng đề xuất tháo gỡ rào cản về quy định pháp lý cho phép có thể sử dụng công nghệ điện toán đám mây để có thể tiết giảm chi phí, khai thác dữ liệu hiệu quả… Để thu hẹp khoảng trống chính sách, đại diện các ngân hàng đề xuất sớm có môi trường pháp lý thử nghiệm để các ngân hàng mạnh dạn ứng dụng sản phẩm dịch vụ mới mà khung khổ pháp lý hiện tại chưa cho phép.
Phát triển CNTT theo đúng định hướng
Trên cơ sở những kết quả đạt được, nhận diện cơ hội và thách thức, Phó Thống đốc đề nghị các đơn vị trong toàn Ngành phải đảm bảo việc ứng dụng CNTT hỗ trợ tích cực cho việc triển khai Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và trở thành thành tố quan trọng thúc đẩy hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành của NHNN và quản trị, kinh doanh của TCTD theo thông lệ quốc tế tốt nhất.
Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách về công nghệ ngân hàng so với các quốc gia phát triển trên thế giới; Kịp thời nắm bắt cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 để đổi mới cơ cấu tổ chức, quy trình và nguồn nhân lực, tiến đến một hệ thống ngân hàng hoạt động trên nền tảng công nghệ hiện đại, thích ứng cao với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số, xã hội số...
Trong giai đoạn tiếp theo, Phó Thống đốc yêu cầu ngành Ngân hàng cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa để đầu tư, ứng dụng CNTT hoàn thành các mục tiêu: Hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ của NHNN trên nền tảng CNTT tiên tiến, tiến đến một NHTW hiện đại trong khu vực ASEAN.
Hoạt động của các TCTD cũng phải dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế đạt trình độ công nghệ trong nhóm các nước dẫn đầu khu vực ASEAN; đáp ứng nhu cầu dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện. Thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng dựa trên khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0…
Phó Thống đốc cũng chỉ đạo các đơn vị ngành Ngân hàng nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng các công nghệ mới của CMCN 4.0 vào toàn diện các hoạt động của NHNN và các TCTD, tạo điều kiện chuyển đổi sang mô hình Chính phủ điện tử tại NHNN và mô hình ngân hàng số tại các TCTD.