Nâng cao sức chiến đấu của chi bộ thôn, bản khu vực biên giới: Nhiệm vụ thường xuyên, không ngừng nghỉ (bài 1)

Thực trạng dịch chuyển lao động từ vùng cao xuống đồng bằng, thành phố lớn khiến nhiều chi bộ thôn, bản ở khu vực biên giới phía Tây Nghệ An bị suy giảm số lượng đảng viên, công tác phát triển đảng viên gặp nhiều khó khăn. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã thường xuyên, liên tục có các biện pháp nâng cao sức chiến đấu tại các chi bộ cơ sở. Cùng với cách làm sát với thực tế tại địa phương, có nhiều ý kiến thẳng thắn về công tác phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ thôn, bản vững mạnh.

Bài 1: Chi bộ thôn, bản biên giới dễ bị “tổn thương”

Những chủ trương lớn của Tỉnh ủy Nghệ An đã giúp các địa phương biên giới xóa được tình trạng “trắng” chi bộ, “trắng” đảng viên. Tuy nhiên, vẫn còn một số chi bộ thôn, bản biên giới có số lượng đảng viên thấp, trình độ, năng lực hạn chế chưa khẳng định được vai trò trước nhân dân. Cùng với đó, có nhiều nguyên nhân khách quan làm cho một số chi bộ dễ bị suy giảm số lượng đảng viên, không phát triển được đảng viên trẻ.

Cuộc họp định kỳ tháng 8/2024 của Chi bộ bản Phá Lõm được tổ chức vào buổi tối để cán bộ, đảng viên có điều kiện tham gia đầy đủ. Ảnh: Viết Lam

Cuộc họp định kỳ tháng 8/2024 của Chi bộ bản Phá Lõm được tổ chức vào buổi tối để cán bộ, đảng viên có điều kiện tham gia đầy đủ. Ảnh: Viết Lam

Chuyển biến tích cực từ một đề án

Khu vực biên giới đất liền phía Tây Nghệ An có diện tích tự nhiên rộng lớn, địa hình, thời tiết khắc nghiệt, phần lớn dân cư sinh sống trên địa bàn là đồng bào các dân tộc thiểu số. Xuyên suốt quá trình dài, chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Nghệ An luôn chú trọng công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, triển khai các biện pháp nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững bình yên biên giới, địa bàn. Trong đó, nhiệm vụ phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ thôn, bản ở khu vực biên giới luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương rất chú trọng.

Tuy nhiên, do các nguyên nhân khác nhau, từ năm 2016 trở về trước, có không ít chi bộ thôn, bản biên giới thuộc các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong... vẫn nằm trong tình trạng nhiều năm liền không phát triển được đảng viên. Thực trạng đó làm cho quá trình triển khai đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân không kịp thời, thiếu hiệu quả. Công tác nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhất là ở những thôn, bản cách trở về địa lý không kịp thời. Cụ thể, ở một số bản làng biên giới của xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn từng để xảy ra tình trạng mâu thuẫn trong nhân dân kéo dài do tranh chấp đất sản xuất; tình trạng phức tạp về an ninh trật tự tại bản Nóng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong do khai thác lâm sản trái phép... Những tồn tại trên địa bàn không được các đảng viên, chi bộ nắm bắt giải quyết kịp thời, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với chính quyền địa phương.

Đứng trước thực trạng đó, tháng 8/2016, Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Đề án 01-ĐA/TU về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016-2020” (gọi tắt là Đề án 01). Sau khi Đề án 01 được triển khai với nhiều chính sách thiết thực như hỗ trợ kinh phí để các chi bộ trọng điểm hoạt động; giúp đỡ các đảng viên trẻ, đoàn viên phát triển kinh tế... đã trở thành “điểm tựa” cho các địa phương biên giới đẩy lùi nguy cơ tái “trắng” đảng viên, "trắng" chi bộ thôn, bản.

Đồng chí Mạc Văn Nguyên, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương cho biết: “Ngay sau khi Đề án số 01 được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương đã thành lập các tổ công tác, trực tiếp đến các xã phân tích thực trạng, đưa ra giải pháp xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ thôn, bản trọng điểm. Sau nhiều năm thực hiện, trên địa bàn biên giới huyện Tương Dương không còn thôn, bản có nguy cơ “trắng” chi bộ, “trắng” đảng viên”. Sau nhiều năm thực hiện Đề án 01, đến tháng 8/2024, trên tuyến biên giới đất liền của tỉnh Nghệ An, có 27 đảng bộ, 414 chi bộ với 8.007 đảng viên (trong đó, 100% thôn, bản ở các xã biên giới đã thành lập được chi bộ và có từ 5 đảng viên trở lên).

Còn nhiều chi bộ dễ bị “tổn thương”

Dù đạt được nhiều kết quả, nhưng vì một số nguyên nhân khác nhau khiến cho nhiều chi bộ ở khu vực biên giới phía Tây Nghệ An dễ bị “tổn thương” do suy giảm về số lượng đảng viên, khó phát triển đảng viên trẻ. Nguyên nhân lớn nhất là sự dịch chuyển lao động trẻ ở vùng cao, biên giới đến các khu vực đô thị, thành phố. Thực tế, có nhiều đảng viên ở các thôn, bản biên giới vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn đã có đơn gửi chi bộ xin miễn sinh hoạt Đảng tạm thời để rời bản, làng đi làm ăn xa. Theo thống kê, đến tháng 8/2024, huyện Tương Dương có 388 đảng viên, huyện Kỳ Sơn có 454 đảng viên, huyện Quế Phong có 285 đảng viên xin miễn sinh hoạt Đảng tạm thời để đi đến các địa phương khác tìm việc làm.

Từ Bình Phước, đảng viên Và Bá Mại chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của mình qua điện thoại. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ Bình Phước, đảng viên Và Bá Mại chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của mình qua điện thoại. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tháng 4/2024, đảng viên Và Bá Mại, người từng được nhân dân bản Piêng Coọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương bầu làm trưởng bản đã có đơn gửi chi bộ xin miễn sinh hoạt Đảng tạm thời để vào Bình Phước làm công nhân cạo mủ cao su. Trao đổi qua điện thoại, anh Mại chia sẻ: “Ở lại bản làm nương rẫy chỉ đủ ăn, không tích lũy cho con cái học hành được, tôi đành báo cáo chi bộ xin miễn sinh hoạt Đảng tạm thời để cả hai vợ chồng vào đây làm ăn. Ở chi bộ bản của tôi có 16 đảng viên thì 9 người đã rời địa bàn đi làm ăn xa. Dù ở đâu, chúng tôi vẫn sẽ thường xuyên giữ liên hệ với chi bộ, sống đúng tinh thần, trách nhiệm của một người đảng viên, có hành động thiết thực hướng về quê hương”.

Buổi sinh hoạt định kỳ tháng 8/2024 của Chi bộ bản Phá Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương được tổ chức vào buổi tối với sự tham gia của 14/21 đảng viên (vắng 7 đồng chí có lý do). Trong số 14 đảng viên dự sinh hoạt tại bản, có 4 đảng viên là cán bộ xã và Đồn Biên phòng Tam Hợp được tăng cường xuống cơ sở. Dưới ánh đèn điện chiếu sáng của nhà văn hóa cộng đồng, đảng viên thảo luận sôi nổi những vấn đề trong dự thảo nghị quyết do đồng chí Xồng Bá Giàng, Bí thư Chi bộ bản Phá Lõm trình bày.

Sau cuộc họp, đồng chí Xồng Bá Giàng chia sẻ: “Đang mùa thu hoạch thảo quả (loại cây dược liệu), hằng ngày, mọi đảng viên trong bản phải lên rẫy giúp gia đình nên chi bộ thống nhất họp vào buổi tối. Trong 7 đồng chí vắng mặt tại cuộc họp đều đã xin miễn sinh hoạt Đảng tạm thời, trong đó có 6 trường hợp đi làm ăn xa, trường hợp còn lại đã cao tuổi. Cũng 2 năm rồi, Chi bộ bản Phá Lõm chưa kết nạp được đảng viên mới vì thanh niên đi làm ăn xa hết”.

Bài 2: Nhiều giải pháp xây dựng chi bộ phù hợp với tình hình thực tế

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-cao-suc-chien-dau-cua-chi-bo-thon-ban-khu-vuc-bien-gioi-nhiem-vu-thuong-xuyen-khong-ngung-nghi-bai-1-post481698.html