Nâng cao thương hiệu táo sơn tra

Với tổng diện tích gần 9.000 ha, Sơn La là tỉnh có diện tích cây sơn tra lớn nhất cả nước. Sơn tra đang trở thành cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở nhiều xã vùng cao của các huyện: Bắc Yên, Mường La, Thuận Châu... Thương hiệu quả sơn tra tươi và các sản phẩm từ sơn tra của Sơn La ngày càng được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng lựa chọn. Để giữ gìn và phát huy thương hiệu các sản phẩm sơn tra Sơn La, không bị các sản phẩm kém chất lượng trà trộn, ngoài việc nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến của các HTX, rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng trong việc xây dựng, quản lý, kết nối các chuỗi tiêu thụ đưa sản phẩm sơn tra vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Cây sơn tra mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Chiềng Công (Mường La).

Cây sơn tra mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Chiềng Công (Mường La).

Năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Táo Sơn Tra Sơn La” cho sản phẩm sơn tra của tỉnh Sơn La nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thêm giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân, HTX, doanh nghiệp chế biến, phân phối tham gia trong chuỗi giá trị cây sơn tra, góp phần phát triển bền vững tiềm năng, giá trị của cây sơn tra.

Qua 2 năm triển khai thực hiện, Dự án đã đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận “Táo Sơn tra Sơn La” và xây dựng được hệ thống quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá, phát triển thương mại cho sản phẩm táo sơn tra mang Nhãn hiệu chứng nhận “Táo Sơn tra Sơn La”; xây dựng mẫu Logo chung sử dụng cho sản phẩm táo sơn tra của Sơn La với sự kết hợp giữa 2 hình ảnh quả sơn tra nguyên vẹn và cắt nửa, tông màu chủ đạo chính là xanh lá và vàng cam.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Chủ nhiệm dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Táo Sơn Tra Sơn La” cho sản phẩm táo sơn tra của tỉnh Sơn La”, cho biết: Điểm nổi bật về quả sơn tra của tỉnh Sơn La là sự đa dạng về mẫu mã, như vùng sơn tra ở xã Xím Vàng, Tà Xùa của huyện Bắc Yên thì quả sơn tra nhỏ, có màu phớt hồng, vị ngọt, chát nhẹ và mùi thơm đặc trưng. Còn quả sơn tra được trồng tại huyện Mường La, Thuận Châu có kích thước lớn hơn ở Bắc Yên, màu vàng sáng đẹp, ăn có vị giòn. Bên cạnh đó, do được đồng bào các dân tộc trồng ở vùng cao, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất bảo quản trong quá trình chế biến nên các sản phẩm sơn tra rất sạch, an toàn với người tiêu dùng; có diện tích trồng lớn nhất cả nước nên đạt sản lượng thu hoạch cao, đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX đầu tư nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh cũng như vị thế các sản phẩm từ quả sơn tra của Sơn La trên thị trường.

Huyện Bắc Yên, là một trong 3 huyện có diện tích cây sơn tra lớn nhất tỉnh, hiện toàn huyện có trên 2.200 ha sơn tra tự nhiên và sơn tra trồng mới. Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết: Huyện có 3 đơn vị là Công ty TNHH Bắc Sơn; HTX Sơn tra Nậm Lộng, xã Hang Chú; HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Sơn tra Bắc Yên được Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La trao quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận táo sơn tra Sơn La. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con trồng rừng thay thế bằng cây sơn tra, khuyến khích người dân sử dụng các cây trội để ghép cải tạo và trồng sơn tra giống ghép để cho ra sản phẩm quả đồng nhất về chất lượng và tổ chức quản lý giống theo chuỗi. Bên cạnh đó, huyện đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm từ quả táo sơn tra. Dự kiến đến năm 2020, toàn huyện sẽ trồng mới khoảng 300 ha sơn tra.

Theo anh Trịnh Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (Đơn vị chủ trì dự án): Việc xây dựng thương hiệu mới chỉ là bước đầu, còn việc quản lý và làm thế nào để phát huy được giá trị của thương hiệu là chặng đường dài. Thời gian tới, tỉnh Sơn La cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân chuyển từ hình thức khai thác tự nhiên sang trồng tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm cho người dân, thực hiện chế biến sâu để đưa ra nhiều loại sản phẩm đa dạng, tạo đầu ra ổn định; tăng cường công tác quản lý nhãn hiệu để các sản phẩm từ quả sơn tra được trồng tại Sơn La phát triển, loại bỏ các sản phẩm hàng giả, hàng nhái.

Việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “Táo Sơn tra Sơn La” là cơ sở để mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh sơn tra, nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nang-cao-thuong-hieu-tao-son-tra-26587