Nâng cao trách nhiệm chống dịch của các cấp, các ngành và mỗi người dân

Dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19) gây ra xuất hiện tại nước ta từ cuối tháng 1-2020 (khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh). Xác định đây là dịch bệnh nguy hiểm nên ngay từ đầu, Việt Nam đã chủ động áp dụng các biện pháp sớm, cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Mặt khác, các cơ chế để phát hiện những người nhiễm bệnh, truy vết những người có nguy cơ lây nhiễm được thiết lập để cách ly, khoanh vùng nhanh nhất có thể, nhờ đó giúp xác định các ổ dịch, ổ dịch tiềm năng từ đó tập trung xử lý ngay từ sớm. Thống kê của ngành y tế cho thấy, số ca nhiễm ở Việt Nam không tăng theo quy luật của thế giới. Đến ngày 2-4, cả nước có 227 người nhiễm Covid-19, chưa có bệnh nhân tử vong...

Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, nước ta đã bước sang giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch trong khi diễn biến đại dịch trên thế giới và trong nước đang có nhiều dấu hiệu phức tạp và nguy hiểm hơn trước rất nhiều. Mặc dù, nhiều địa phương chưa có người nhiễm bệnh nhưng chính quyền và nhân dân đã tham gia chống dịch với tinh thần cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân chống dịch. Việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch trên cả nước ngày 1-4 nhằm ba mục tiêu. Thứ nhất, tăng thêm tinh thần trách nhiệm của lực lượng chống dịch trên từng địa bàn. Thứ hai, người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành y tế để thật sự mỗi người dân là chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch. Thứ ba, khi công bố trên quy mô cả nước thì các lực lượng tham gia chống dịch được hưởng chế độ chính sách. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch của tất cả các cấp, các ngành trong cả nước.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hiện cả nước có hai ổ dịch đang được theo dõi sát sao là quán bar Buddha ở TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội. Về cơ bản, hai ổ dịch này đã xác định được nguồn lây chính và đang tiến hành thống kê, rà soát các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, mỗi ca dương tính mà chưa xác định rõ được nguồn lây đều được coi là một ổ dịch tiềm năng.

Nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, ngày 30-3 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện lời kêu gọi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện “cách ly toàn xã hội” trong vòng 15 ngày được cho là rất quan trọng và kịp thời để ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể lây lan mạnh trong khoảng hai tuần tới.

Dịch Covid-19 đã lan rộng ở quy mô cả nước, chúng ta có hai tuần đặc biệt quan trọng để ngăn chặn dịch. Do vậy, việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch là trách nhiệm của mỗi bộ, ngành, địa phương và chính mỗi người dân. Mỗi người dân cần thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của ngành y tế, nhất là hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc, chỉ đi ra ngoài khi thật sự cần thiết và nếu phải đi ra ngoài thì luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách ít nhất 2 m và thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nếu thực hiện đúng, nghiêm túc sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban chỉ đạo quốc gia với tinh thần chủ động, kiên quyết và bình tĩnh thì chắc chắn chúng ta sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng và tiến tới dập dịch thành công trong thời gian tới.

TRUNG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/43898902-nang-cao-trach-nhiem-chong-dich-cua-cac-cap-cac-nganh-va-moi-nguoi-dan.html