Nâng cao trách nhiệm giải trình

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cơ bản tán thành với những đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành. Trong đó, các đại biểu ghi nhận, 'trái tim' của dự án Luật này là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tế. Tuy nhiên, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phải gắn liền với trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cá nhân, đơn vị được trao quyền.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ

Ảnh: Quang Khánh

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đều nhất trí quan điểm của Chính phủ về đẩy mạnh phân quyền từ thẩm quyền Thủ tướng sang thẩm quyền của bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương và HĐND cấp tỉnh trong quyết định đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc bày tỏ vui mừng trong lần sửa đổi, bổ sung 8 luật lần này thì “trái tim” của dự án Luật và sợi dây xuyên suốt trong các đề xuất của Chính phủ là tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Ông cho rằng, về nguyên tắc có một số quyết định đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải nắm, nhưng phần lớn có thể phân cấp, phân quyền được.

“Công cuộc đổi mới vừa qua thành công chính là do đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, là kết quả của quá trình chuyển giao những quyết định về kinh tế từ Trung ương xuống địa phương. Ở đâu làm theo xu hướng này nhìn chung đều thành công”. Nhấn mạnh đây cũng đang là một xu hướng hiện nay, ĐB Vũ Tiến Lộc nhận định, những sửa đổi, bổ sung với 8 Luật hiện hành được Chính phủ đề xuất lần này đã cho thấy pháp luật đang bắt được xu hướng và đang phục vụ xu hướng đó. Những đòi hỏi về kiểm tra, kiểm soát với quyết định đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư có nhiều cách thực hiện. Chúng ta có một hệ thống quy chế, quy trình, chuẩn mực đầu tư, cùng với bảo đảm công khai, minh bạch trong thực hiện thì không lo khi giao cho cấp dưới quyết định.

Tuy nhiên, ĐB Vũ Tiến Lộc và các ĐBQH Trương Xuân Cừ, Nguyễn Hữu Chính cũng lưu ý, tăng cường phân cấp, phân quyền phải gắn liền với đề cao trách nhiệm của địa phương, cơ sở, chủ dự án, cơ quan chủ trì thực hiện. Nếu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm sẽ không có tình trạng quyết định theo cơ chế hội đồng, tập thể chịu trách nhiệm, cũng như "đẩy bóng" lên cơ quan cấp trên. Thời gian vừa qua, có tình trạng "đá bóng" lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thậm chí cả nhiều sự vụ cụ thể không thuộc trách nhiệm của Thủ tướng cũng đã xin ý kiến. Điều này khiến Chính phủ, cấp bộ, ngành đều quá tải.

Tán thành với quan điểm của Chính phủ, song ĐBQH Nguyễn Phương Thủy đề nghị, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng việc thể hiện các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung, để bảo đảm sự đồng bộ với các quy định khác trong từng điều khoản luật. Nêu ví dụ về vấn đề này, ĐB Nguyễn Phương Thủy cho biết, Điều 17 của Luật Đầu tư công quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, nên với đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các khoản 4, khoản 8 nếu không có cách diễn đạt phù hợp sẽ tạo ra sự không thống nhất trong một điều luật.

Phải xử lý bằng cơ chế giá

Một nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến tại dự án Luật này là đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 của Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở). Theo đó, quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời, cũng áp dụng với nhà đầu tư thuộc các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật: (i) có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; (ii) có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; (iii) có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.

Các đại biểu cho rằng, phương án sửa đổi khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư đã bao quát những hình thức nhà đầu tư có quyền sử dụng đất trên thực tế để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy định của Luật Nhà ở và Luật Đất đai. Phương án sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư này sẽ giúp thị trường đất ở, nhà ở thương mại phát triển thuận lợi hơn, và cũng không phải lo lắng giao nhầm cho chủ đầu tư không đủ khả năng được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì quy định hiện hành đã có hàng rào kỹ thuật ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, một số ĐBQH lo ngại, giá trị đất sau khi chuyển sang mục đích đất ở sẽ tăng cao hơn nhiều so với giá trị ban đầu, nhưng nhà đầu tư chỉ trả tiền đấu thầu mảnh đất đó theo bảng giá được chính quyền địa phương quy định thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Như vậy, sẽ có nguy cơ thất thoát nguồn lực từ đất đai.

Thừa nhận nguy cơ này, song ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, có thể ngăn chặn thất thoát nguồn lực từ đất đai thông qua cơ chế định giá đất. Chúng ta phải sửa đổi cơ chế định giá đất thông qua việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, nếu dùng cơ chế phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để xử lý vấn đề này là không đúng địa chỉ. Do Chính phủ đang sửa đổi khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư theo cách tiếp cận này, cũng như cầu thị tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động ở các nội dung khác tại dự án Luật, các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tán thành trình dự án Luật này ra Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nang-cao-trach-nhiem-giai-trinh-sn5tvmqhg8-78741