Nâng cao tỷ lệ người dân được tiếp cận với nước sạch từ công trình cấp nước tập trung

Nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cấp nước sạch tập trung (NSTT), nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận với nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cộng đồng, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể, góp phần hoàn thành chỉ tiêu nước sạch nông thôn theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung liên 12 xã huyện Vĩnh Tường được đầu tư hiện đại, đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ảnh: Nguyễn Lượng

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung liên 12 xã huyện Vĩnh Tường được đầu tư hiện đại, đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ảnh: Nguyễn Lượng

Hiện nay, người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch từ nhiều công trình cấp NSTT do nhiều đơn vị, địa phương quản lý vận hành.

Trong đó, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (NSH&VSMTNT) trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý 10 công trình cấp nước trực tiếp cho người dân cho 23 xã và 2 thị trấn của 3 huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường và Lập Thạch với công suất 22.200 m3/ngày đêm; công suất khai thác khoảng 12.064 m3/ngày đêm.

UBND các xã quản lý 4 công trình cấp nước cho người dân 4 xã của 2 huyện Tam Đảo và Sông Lô với công suất 720 m3/ngày đêm; công suất khai thác khoảng 550 m3/ngày đêm.

Một số nhà máy nước do doanh nghiệp (DN) quản lý chủ yếu thực hiện cung cấp nước cho đô thị, khu công nghiệp (KCN) và tham gia cấp nước cho người dân nông thôn trên địa bàn có đường ống đi qua nhưng với quy mô nhỏ như Công ty Cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc tham gia cấp nước tại các địa bàn thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Dương; Công ty cổ phần Nước sạch Vĩnh Phúc tham gia cấp nước khu vực xã Cao Minh (Phúc Yên); Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc tham gia cấp nước khu vực thị trấn Tam Sơn và các xã lân cận thuộc huyện Sông Lô và các xã Đồng Tĩnh, Đạo Tú (Tam Dương).... với tổng công suất của các nhà máy từ 6.000 - 7.000 m3/ngày đêm.

Việc triển khai các hoạt động đảm bảo cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch đã được các cơ quan, địa phương quan tâm, triển khai thực hiện. Hiện, tổng công suất cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt hơn 99.100 m3/ngày đêm, công suất khai thác đạt 20% công suất thiết kế; mức cấp nước toàn tỉnh bình quân đạt 60 lít/người/ngày đêm; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch là 24%.

Theo kết quả điều tra Bộ chỉ số theo dõi - Đánh giá nước sạch nông thôn năm 2021, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt QCVN trên địa bàn tỉnh hơn 66%; trong đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp NSTT chỉ đạt hơn 17%, còn lại chủ yếu là từ công trình cấp nước riêng lẻ.

Mặc dù quy hoạch về cấp NSH &VSMTNT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh ban hành ngày 18/4/2014 nhưng do nguồn lực có hạn nên việc bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp NSTT trên địa bàn tỉnh còn hạn chế so với nhu cầu đầu tư.

Một số DN đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cấp nước sạch với quy mô, công suất lớn từ 29.000 m3/ngày đêm - 500.000 m3/ngày đêm bằng nguồn vốn DN, song từ nhiều năm nay, tiến độ triển khai rất chậm và có dự án vẫn chưa được khai thi công.

Tiêu biểu như Dự án Nhà máy nước sạch Phúc Bình (phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2016) với công suất 500.000 m3/ngày đêm (Giai đoạn I là 150.000 m3/ngày đêm) nhà đầu tư là Công ty Yên Bình; Dự án Nhà máy cấp nước sạch Sông Hồng với công suất 29.000 m3/ngày đêm (phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018) nhà đầu tư là Công ty Cổ phần xây dựng Procons;....

Ngoài ra, một số công trình do Ban Dân tộc và Trung tâm NSH&VSMTNT làm chủ đầu tư (trước năm 2010) sau khi hoàn thành bàn giao cho UBND xã quản lý nhưng chưa xác định mô hình quản lý phù hợp dẫn đến việc quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả chưa cao.

Thêm vào đó, các công trình cấp NSTT được xây dựng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi có địa hình miền núi phức tạp, hầu hết nguồn cấp nước lấy từ khe suối trên núi nên việc bảo vệ công trình gặp nhiều khó khăn...

Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nước sạch nông thôn theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra: Đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 70%; tăng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 51%, hiện nay, tỉnh đang tiếp tục triển khai đầu tư 7 dự án cấp nước sạch sử dụng nguồn vốn đầu tư công và vốn của DN; đồng thời, đang kêu gọi đầu tư vào 10 dự án.

Ngoài ra, còn có nhiều nhà đầu tư quan tâm xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 như Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung liên xã Văn Tiến, Nguyệt Đức, Yên Phương, Yên Đồng và Tam Hồng (Yên Lạc); Dự án cấp nước xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường); Dự án cấp nước xã Ngọc Thanh (Phúc Yên);...

Bên cạnh đó, thực hiện theo Nghị quyết số 19 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 các hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung được hỗ trợ giá nước, hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị cấp nước trên địa bàn xây dựng giá nước tính đúng, tính đủ và lập kế hoạch để đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ người dân sử dụng nước sạch theo quy định.

Các đơn vị thực hiện cấp nước sạch nông thôn đã và đang xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn nhằm quản lý chất lượng nước theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nước sạch hiện hành, đảm bảo công trình cấp nước hoạt động ổn định, liên tục, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.

Hồng Nhật

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76532/nang-cao-ty-le-nguoi-dan-duoc-tiep-can-voi-nuoc-sach-t%C3%B9-cong-tr%C3%ACnh-cap-nuoc-tap-trung.html