Nâng cao vai trò của nữ cán bộ đối ngoại

Diễn đàn Việt Nam - Australia về 'Nâng cao vai trò và đóng góp của cán bộ nữ trong lĩnh vực đối ngoại' diễn ra vào ngày 3/10 tại Hà Nội. Đây là sáng kiến để triển khai MOU giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Australia.

Buổi gặp mặt một số Đại sứ và cán bộ nữ ngoại giao tiêu biểu của hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Australia, tại Nhà riêng Đại sứ Australia tối ngày 2/10. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Sự kiện là hoạt động đầu tiên trong việc triển khai MOU do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne ký ngày 12/6/2019 về “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trong kỷ nguyên số”.

Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự và phát biểu tại Diễn đàn; Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Chủ tịch danh dự Nhóm phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội phát biểu dẫn đề tại Tọa đàm chính sách.

Về phía Australia có sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Julie Heckscher, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Trung Quốc, Myanmar cùng nhiều lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Ngoại giao Australia. Sự kiện cũng có sự tham dự của khoảng 40 Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội là thành viên Nhóm các Đại sứ về bình đẳng giới.

Vai trò tiên phong của Bộ Ngoại giao

Diễn đàn gồm các phiên tọa đàm chính sách về nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số và các phiên trao đổi về kỹ năng đối ngoại trong thời đại số. Trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ diễn ra Khóa đào tạo về chuẩn mực giới tại công sở vào ngày 4/10. Diễn đàn hướng tới thảo luận xung quanh những “hành trang” mà cán bộ nữ làm công tác đối ngoại cần chuẩn bị trong thời đại số để phát huy tốt lợi thế, đóng góp của mình.

Trong những năm gần đây, ở Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Australia cũng như Bộ Ngoại giao của nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ cán bộ ngoại giao nam và nữ đang hướng tới sự cân bằng hơn. Những thập kỷ trước đây, trong ngành Ngoại giao, nam giới đóng vai trò chủ chốt nhưng hiện nay, tỷ lệ cán bộ nữ ở nhiều Bộ Ngoại giao đều trên 40%, có những nước đạt tới gần 60%.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn lần này thể hiện sự tiên phong của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác quốc tế về bình đẳng giới trong kỷ nguyên số. Diễn đàn cũng thể hiện sự đi đầu của Bộ Ngoại giao trong việc nâng cao năng lực cho cán bộ nữ trong bối cảnh công nghệ số tác động sâu sắc đối với mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành ngoại giao. Diễn đàn cũng góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Australia trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược, tăng cường nội hàm hợp tác giữa hai Bộ ngoại giao và hai Chính phủ.

Phát huy lợi thế của những “bóng hồng”

Trong một sự kiện đối ngoại, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga từng nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong công tác đối ngoại. Dù trong bất cứ thời đại nào, theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, các nhà ngoại giao nữ, dù kinh nghiệm nhiều hay ít, đều thấy nhu cầu duy trì, phát huy lợi thế của phụ nữ nói chung là sự duyên dáng và nhân hậu, đem lại một luồng gió mới cho ngành Ngoại giao. “Chúng tôi luôn nói là phải phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam, chiếc áo dài của người phụ nữ Việt là vô cùng đẹp, phong thái của phụ nữ Việt vô cùng nhân hậu, nhân văn và quan tâm đến người khác”, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nói.

Là một “bóng hồng” giàu kinh nghiệm trong Bộ Ngoại giao, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, luôn cảm nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Bộ, sự chia sẻ của những cán bộ nam trong Bộ, đó là động lực để bà luôn phấn đấu hoàn thành tốt công việc của mình.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho rằng, cán bộ đối ngoại nữ ngày nay có thể tự tin trong công việc bởi đã được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản. Đặc biệt, các cán bộ đi trước luôn sẵn sàng “truyền lửa” cho thế hệ đi sau bằng những bài học kinh nghiệm quý giá.

Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, công nghệ số cũng có thể được coi là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cán bộ nữ, giúp rút ngắn thời gian tổng hợp thông tin, tư liệu để học hỏi, giải quyết công việc nhanh hơn. Có công nghệ số, các “bí kíp” nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình cũng dễ nắm bắt.

Với Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, công nghệ còn giúp cán bộ nữ khi đi công tác xa, đặc biệt là luân chuyển nước ngoài gắn kết bạn bè, thu hẹp khoảng cách với người thân. Việc tỷ lệ cán bộ nữ làm đối ngoại ngày càng tăng cũng sẽ giúp mỗi cán bộ nữ phát huy được kỹ năng mềm, thông cảm lẫn nhau trong công việc.

Theo bà Nguyễn Minh Hằng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương, Trưởng Ban Nữ công-Công đoàn Bộ Ngoại giao, tỷ lệ cán bộ nữ của Bộ Ngoại giao hiện nay là 43,92%, cao nhất trong lịch sử gần 75 năm của ngành Ngoại giao.

Công tác nữ của Bộ đã luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy, Công đoàn Bộ và lãnh đạo các đơn vị trong Bộ. Bộ luôn chú trọng việc tạo thuận lợi cho cán bộ nữ về mọi mặt và trong các chính sách của Bộ như đề bạt, luân chuyển, đào tạo... Tỷ lệ nữ của Bộ tham gia công tác quản lý, lãnh đạo cấp vụ trở lên ở mức cao hơn tỷ lệ trung bình của các Bộ, ngành trung ương.

Bà Nguyễn Minh Hằng cũng nhấn mạnh, bản thân mỗi cán bộ nữ ngoại giao cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, không ngừng tự rèn luyện, nâng cao năng lực để đóng góp ngày càng hiệu quả hơn. Các cán bộ nữ cần giữ nhiệt huyết phấn đấu, tinh thần học hỏi, cố gắng vượt qua những khó khăn, thách thức để đảm nhiệm tốt công việc được giao.

Nơi trao đổi và chia sẻ

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đánh giá cao ý nghĩa của Diễn đàn lần này và hy vọng thông qua Diễn đàn có thể trao đổi, học hỏi được kinh nghiệm từ các nhà ngoại giao Austrlia, những cán bộ đối ngoại nữ đến từ đất nước đi đầu trong bình đẳng giới.

Là nữ Đại sứ Australia thứ hai tại Việt Nam, đồng thời là nhà ngoại giao cấp cao của Australia, từng đảm nhận nhiều vị trí trong ngoại giao song phương và đa phương, Đại sứ Robyn Mudie sẽ chia sẻ kinh nghiệm của cá nhân, đồng thời giới thiệu “Chiến lược Lãnh đạo nữ năm 2015” của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia. Chiến lược này cung cấp những công cụ “vô giá” giúp phụ nữ Austrlia đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong ngành đối ngoại Australia.

Đại sứ hy vọng, Diễn đàn sẽ là cơ hội tuyệt vời để thắt chặt quan hệ giữa hai Bộ Ngoại giao Australia và Việt Nam.

Phạm Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nang-cao-vai-tro-cua-nu-can-bo-doi-ngoai-102109.html