Nâng cao văn hóa ứng xử trên môi trường mạng

Mạng internet, mạng xã hội đã và đang trở thành môi trường giao tiếp mới trong xã hội phát triển hiện đại. Quá trình giao tiếp trên nền tảng mạng internet đã xuất hiện nhiều vấn đề đòi hỏi mỗi người cần nâng cao văn hóa ứng xử một cách đúng mực.

Cần lựa chọn nguồn thông tin chính thống, tin cậy, xác thực khi tham gia môi trường mạng internet.

Môi trường giao tiếp “không biên giới”

Mạng internet và sự phát triển của nó nhiều năm qua đã tạo nên môi trường giao tiếp đặc biệt cho tất cả mọi người. Sự bao phủ internet toàn cầu khiến cho khoảng cách địa lý dần bị xóa nhòa. Cùng với đó, đại dịch COVID-19 cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển và chuyển đổi của quá trình giao tiếp, tương tác trên nền tảng các trang web, mạng xã hội… trên internet. Con người có thể dễ dàng tiếp cận tin tức, tìm hiểu thông tin, bày tỏ quan điểm, chia sẻ tình cảm, truyền tải cảm hứng đến cộng đồng… Điều này tạo nên một môi trường giao tiếp “không biên giới”, không khoảng cách, không giới hạn… đặc biệt và hết sức linh hoạt. Sự phát triển của môi trường tương tác trực tuyến, đặc biệt qua các trang mạng xã hội đã tạo ra các giá trị mới, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy vậy, giao tiếp trên nền tảng mạng internet cũng gây ra nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là vấn đề ứng xử một cách văn hóa. Mối quan hệ trên môi trường mạng có phạm vi rộng lớn, đa dạng và khó kiểm soát hơn các mối quan hệ trong đời thực; một cá nhân có thể tương tác trên môi trường mạng với danh tính công khai hoặc ẩn danh, thậm chí sử dụng nhiều danh tính để thực hiện các hành vi giao tiếp. Thậm chí đặc tính giao tiếp giấu mặt của môi trường online - bày tỏ quan điểm, thái độ không trực tiếp cũng khiến người dùng dễ dãi trong cách ứng xử, thậm chí coi nhẹ những chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Nhiều trường hợp còn lợi dụng thông tin sai lệch để thu hút sự chú ý, “câu like” câu follower nhằm phục vụ mục đích cá nhân.

Thời gian qua, nhiều cá nhân đã bị phát hiện, xử phạt bởi hành vi phát tán thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh COVID-19 như N.T.B.T (phường Nông Trang, Tp Việt Trì), L.T.N.L (phường Gia Cẩm, Tp Việt Trì)… Những thông tin “giả” thông tin không đúng sự thật được các đối tượng sử dụng mà không cân nhắc đến sự nguy hại, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của người dân, chính quyền. Phát tán thông tin thiếu kiểm chứng, không rõ đúng sai thậm chí ngụy tạo thông tin giả cũng là vấn đề bức bối hiện nay - biểu hiện của sự tùy tiện trong văn hóa ứng xử trên môi trường mạng.

Không những vậy, nhiều trường hợp dùng ngôn từ thô tục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục để bày tỏ cảm xúc, thái độ về một vấn đề trên mạng internet. Những “thánh chửi”, “anh hùng bàn phím”… xuất hiện cho thấy sự thiếu trách nhiệm khi phát ngôn ẩn danh càng khiến vấn đề lệch chuẩn đạo đức trở nên trầm trọng.

Vừa qua, đoạn video clip nam sinh Nguyễn Quốc T (SN 2007) tại phường Tiên Cát, Tp Việt Trì bị một nhóm đối tượng đánh đập dã man được đăng tải trên mạng xã hội Facebook vào tháng 7/2021. Clip này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng vào xem, bình luận, chia sẻ. Các clip bạo lực học đường tương tự cũng trở thành đề tài “hot” được quan tâm. Trong số hàng ngàn các bình luận về nội dung clip, có nhiều bình luận khiếm nhã, cổ vũ, chửi bới… Điều này cũng minh chứng cho văn hóa ứng xử của một bộ phận “cư dân mạng” mà trong đó phần đông là giới trẻ đang “có vấn đề”.

Mạng internet đã và đang trở thành môi trường giao tiếp mới cung cấp nhiều tiện ích hiện đại để kết nối xã hội. (Ảnh minh họa)

Xây dựng môi trường “văn hóa số”

Tại hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, trong đó có: Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

Những năm gần đây, để tăng cường quản lý các hoạt động trên mạng internet, Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh phát hiện và rà quét thông tin xấu, độc hại, không đúng sự thật trên không gian mạng. Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong năm 2021, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã phát hiện, xử phạt hành chính 20 trường hợp có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook về dịch bệnh COVID-19, xúc phạm danh dự người khác, kích động bạo lực… với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Cùng với đó, Sở đã lập các trang fanpage, nhóm, bài chuyên đề trên các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, phản bác thông tin sai trái, định hướng thông tin trong xã hội.

Để hoạt động quản lý thông tin trên môi trường mạng internet ngày càng hiệu quả, Sở Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh tuyên truyền đại chúng trên cơ sở nội dung Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông (Quyết định 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021). Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng để người dân hiểu rõ ý nghĩ, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử khi tham gia mạng internet.

Thời gian tới, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cùng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường đưa nội dung giáo dục an ninh mạng, an toàn thông tin vào chương trình dạy học phù hợp với ngành học, cấp học. Thực hiện Đề án “xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường giáo dục, xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự, bồi dưỡng các kỹ năng ứng phó với các tình huống trên mạng internet; chỉ rõ những trào lưu tiêu cực, phản văn hóa trên mạng internet và các biện pháp phòng, tránh.

Để xây dựng môi trường văn hóa số lành mạnh, văn minh; các cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh phải mẫu mực trong văn hóa ứng xử trên mạng internet cho học sinh, sinh viên noi theo. Các bậc cha mẹ cần có biện pháp quản lý chặt chẽ khi con em tham gia vào môi trường mạng nhưng không ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân, có những lời khuyên hữu ích và tác động để điều chỉnh khi cần thiết.

Xây dựng môi trường văn hóa số văn minh trong bối cảnh kỷ nguyên công nghệ mới đã và đang tạo nên những thay đổi mạnh mẽ, cần có sự chung tay của các cấp ngành để tăng cường công tác giám sát, quản lý và góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ khi tham gia vào môi trường mạng internet.

Huy Lê

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202201/nang-cao-van-hoa-ung-xu-tren-moi-truong-mang-182053