Nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, công tác cán bộ nữ nói chung và sự tham gia của phụ nữ vào cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp nói riêng đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, từng bước nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, hội nhập quốc tế của tỉnh.

Trong thời gian qua, công tác cán bộ nữ có chuyển biến tích cực. Nhiều đồng chí tham gia cấp ủy, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo trong bộ máy chính quyền các cấp. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà (thứ 2 từ trái sang), Phó Chủ tịch UBND phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên thăm hỏi gia đình chính sách trên địa bàn. Ảnh: Trà Hương

Trong thời gian qua, công tác cán bộ nữ có chuyển biến tích cực. Nhiều đồng chí tham gia cấp ủy, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo trong bộ máy chính quyền các cấp. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà (thứ 2 từ trái sang), Phó Chủ tịch UBND phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên thăm hỏi gia đình chính sách trên địa bàn. Ảnh: Trà Hương

Chú trọng công tác quy hoạch cán bộ nữ

Thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch về công tác cán bộ nữ, đề ra các biện pháp nhằm từng bước nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, đảm bảo đạt được mục tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.

Trong đó, đáng chú ý là Đề án số 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ nữ giai đoạn 2005-2010; Đề án số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường cán bộ lãnh đạo, quản lý là cán bộ trẻ, cán bộ nữ giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025; Kế hoạch số 204 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”…

Cùng với làm tốt công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất của cả hệ thống chính trị về công tác cán bộ nữ; tạo động lực để đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án về công tác cán bộ nữ tại các cơ quan, đơn vị.

Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện lồng ghép chương trình hành động về giới vào chỉ tiêu đào tạo, tuyển dụng công chức, viên chức; phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng tỷ lệ cán bộ nữ vào quy hoạch.

Xác định tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hằng năm nhằm thực hiện công tác tạo nguồn và quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ với các chỉ tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện.

Tỉnh cũng triển khai hỗ trợ việc nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo trẻ thông qua thực hiện các chương trình, dự án nâng cao năng lực; tăng cường kiểm tra các quy định về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ vào các vị trí cán bộ chủ chốt của các sở, ban, ngành, địa phương.

Các cơ quan, đơn vị đã lồng ghép chỉ tiêu tăng cường sự tham gia của nữ giới vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

Đồng thời, thực hiện quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn nhằm tăng tỷ lệ cán bộ nữ đương chức và kế cận được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Qua đó, tạo điều kiện cho cán bộ nữ được rèn luyện trong thực tiễn, tạo sự chủ động về nguồn, đảm bảo yêu cầu phát triển liên tục, bền vững.

Phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác cán bộ nữ của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; cán bộ nữ được quy hoạch tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cấp ủy và giữ chức vụ chủ chốt các cơ quan, đơn vị ngày càng tăng.

Nhiệm kỳ 2020-2025, cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 9/50 đồng chí (chiếm 18%); cấp huyện có 64/356 người (chiếm 17,98%); cấp xã có 471/1.842 người (chiếm 25,57%).

Số nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 ở cấp tỉnh là 13/51 người (đạt 25,5%); cấp huyện là 74/301 người (đạt 24,6%); cấp xã là 828/3.340 người (đạt 24,8%).

Các cán bộ nữ khi được giao trọng trách đã phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nhiều đồng chí có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công việc hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ nữ, coi đây là một nhiệm vụ chiến lược trong công tác cán bộ; quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn và sử dụng cán bộ nữ; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong triển khai các nhiệm vụ về công tác cán bộ nữ; tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Hội Phụ nữ các cấp…

Lê Mơ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/83209/nang-cao-vi-the-cua-phu-nu-trong-linh-vuc-chinh-tri.html