Nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của luật sư đối với xã hội

Những năm qua, Đoàn Luật sư Phú Yên nỗ lực phấn đấu thực hiện sứ mệnh bảo vệ công lý, công bằng xã hội, bảo vệ con người và pháp chế XHCN, góp phần không nhỏ vào công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Thị Hoa trao giấy khen cho các luật sư có thành tích xuất sắc trong thực hiện quy chế phối hợp giữa Đoàn Luật sư Phú Yên với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh về hoạt động trợ giúp pháp lý. Ảnh: NGỌC QUỲNH

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Thị Hoa trao giấy khen cho các luật sư có thành tích xuất sắc trong thực hiện quy chế phối hợp giữa Đoàn Luật sư Phú Yên với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh về hoạt động trợ giúp pháp lý. Ảnh: NGỌC QUỲNH

Nhân kỷ niệm 34 năm Ngày thành lập Đoàn Luật sư Phú Yên (24/10/1990-24/10/2024), Báo Phú Yên phỏng vấn luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên xoay quanh nội dung này.

* Trải qua chặng đường 34 năm hình thành và phát triển, hiện nay tổ chức, hoạt động của Đoàn Luật sư Phú Yên như thế nào, thưa ông?

- Sau khi tái lập tỉnh, ngày 24/10/1990, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Đoàn Luật sư PhuYến. Trải qua chặng đường 34 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Đoàn Luật sư Phú Yên không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, xây dựng đội ngũ luật sư tỉnh nhà ngày càng phát triển. Lúc mới thành lập chỉ có 3 luật sư, đến nay Đoàn Luật sư Phú Yên có 48 luật sư hoạt động tại 18 tổ chức hành nghề luật sư. Về trình độ chuyên môn, có 1 tiến sĩ luật, 8 thạc sĩ luật, còn lại là cử nhân luật.

Cùng với đội ngũ luật sư cả nước, luật sư Phú Yên ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong hoạt động nghề nghiệp. Đoàn Luật sư Phú Yên quan tâm chú trọng triển khai các hoạt động của đoàn theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức xã hội nghề nghiệp được luật sư và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định từ công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đến công tác kiểm tra, giám sát luật sư và tổ chức hành nghề luật sư; bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của các luật sư thành viên; trực tiếp cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người yếu thế bằng các hình thức khác nhau như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.

Hằng năm, các luật sư tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý từ 500-700 vụ, việc. Việc tham gia tố tụng của các luật sư không những bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự khác, mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổchức, bảo vệ pháp chế XHCN.

Luật sư Nguyễn Hương Quê

Luật sư Nguyễn Hương Quê

* Thưa ông, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) thuộc một trong những quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Thời gian qua, các luật sư Phú Yên đã thực hiện hoạt động này ra sao?

- TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL theo quy định của Luật TGPL nhằm góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Đây là chính sách nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước, không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, bảo vệ công lý, công bằng xã hội mà còn góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, đây là hoạt động mà Đoàn Luật sư Phú Yên rất quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, việc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) và Đoàn Luật sư tỉnh ký kết quy chế phối hợp về TGPL đã tạo điều kiện cho hoạt động TGPL của luật sư phát triển mạnh hơn.

Hằng năm, vào các dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Đoàn Luật sư Phú Yên đều tổ chức phát động Ngày TGPL, Tháng tư vấn pháp luật miễn phí. Dịp này, các tổ chức hành nghề luật sư trong tỉnh sẽ tư vấn pháp luật miễn phí trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại, đất đai, hành chính… Qua đó giúp người dân tháo gỡ các vướng mắc về pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; đồng thời vận động khuyên giải những trường hợp khởi kiện không có căn cứ, khởi kiện khiếu nại kéo dài, góp phần giúp các cơ quan chức năng giảm tải được công việc và góp phần ổn định TTATXH tại địa phương.

Năm 2024, Đoàn Luật sư Phú Yên đã tham gia tư vấn pháp luật miễn phí367 vụ, việc; tham gia 63 vụ án hình sự - luật sư bào chữa theo chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng. Xác định việc phục vụ yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng là nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội của luật sư, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên luôn nhanh chóng phân công, yêu cầu các tổchức hành nghề luật sư cử luật sư tham gia tố tụng kịp thời.

Hiện nay, Đoàn Luật sư Phú Yên có 30 luật sư chỉ định tham gia trong những trường hợp bắt buộc phải có luật sư theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Các luật sư được cử tham gia án chỉ định luôn làm tròn trách nhiệm, không có sự phân biệt bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hay theo yêu cầu của khách hàng. Trong đó, nguyên tắc bảo vệ pháp chế XHCN được đưa lên hàng đầu khi tham gia các vụ án hình sự phức tạp liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia.

* Để gắn bó với nghề, ngoài nhiệt huyết, đam mê, các luật sư phải không ngừng nâng cao năng lực, kỹ năng hành nghề. Ban Chủ nhiệm đã tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ luật sư Phú Yên như thế nào, thưa ông?

- Đoàn Luật sư Phú Yên nhận thức việc bồi dưỡng, đào tạo nghề luật sư là nhiệm vụ chính trị và chuyên môn quan trọng giúp nâng cao kiến thức, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng hành nghề cho luật sư để đáp ứng yêu cầu của khách hàng nói riêng và yêu cầu chính trị xã hội nói chung.

Vì vậy, Ban chủ nhiệm đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, Ủy ban Đào tạo, bồi dưỡng và Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư tỉnh bạn tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hằng năm cho luật sư với nhiều chuyên đề, như: Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư; kỹ năng luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, dân sự; kỹ năng luật sư trong tố tụng trọng tài, Luật Đất đai (sửa đổi)…

Hằng năm có khoảng 70% luật sư tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trực tiếp và bồi dưỡng online. Qua đó, các luật sư đã được cập nhập những quy định mới của pháp luật, được bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, bổ khuyết về kỹ năng hành nghề, tích lũy thêm kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp. Nhờ vậy, chất lượng hoạt động tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cũng như thực hiện các dịch vụ pháp lý khác được nâng cao.

Ngoài ra, Ban chủ nhiệm thường xuyên tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, điều lệ và các nội quy của Đoàn Luật sư tỉnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư để các luật sư ngày càng gắn kết tốt hơn với tập thể luật sư.

Trong hoạt động nghề nghiệp, từng luật sư chủ động tác nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Nội quy Đoàn Luật sư tỉnh cũng như quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Đồng thời, các luật sư cũng thường xuyên phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau cùng thực hiện nhiệm vụ với tư cách là thành viên của đoàn, xây dựng mối quan hệ đoàn kết trên tình đồng nghiệp, góp phần xây dựng đội ngũ luật sư Phú Yên phát triển.

* Xin cảm ơn ông!

Hằng năm, các luật sư tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý từ 500-700 vụ, việc. Việc tham gia tố tụng của các luật sư không những bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự khác, mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức, bảo vệ pháp chế XHCN.

NGỌC DUNG (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/164/322089/nang-cao-vi-the-vai-tro-trach-nhiem-cua-luat-su-doi-voi-xa-hoi.html