Nâng cấp đường liên xã Thanh Hối - Gia Mô: Mở đường cho vùng sâu thoát nghèo

Hàng chục năm qua, người dân xã Gia Mô (Tân Lạc) mong muốn tuyến đường liên xã Thanh Hối - Gia Mô được cứng hóa, để mở đường cho công cuộc thoát nghèo và giúp hành trình đi học chữ của con em bớt gian nan hơn.

Con đường liên xã Thanh Hối - Gia Mô (Tân Lạc) chưa được đầu tư mở rộng, cứng hóa, gây nhiều khó khăn trong việc đi lại, là rào cản lớn đối với sự phát triển KT-XH của xã vùng sâu Gia Mô.

Con đường liên xã Thanh Hối - Gia Mô (Tân Lạc) chưa được đầu tư mở rộng, cứng hóa, gây nhiều khó khăn trong việc đi lại, là rào cản lớn đối với sự phát triển KT-XH của xã vùng sâu Gia Mô.

Trước đây, khi tuyến đường Tử Nê - Lỗ Sơn chưa được mở, tỉnh lộ 436 chưa được cứng hóa, việc giao thương hàng hóa của người dân ở xã vùng sâu Gia Mô phụ thuộc hoàn toàn vào con đường mòn liên xã Gia Mô - Thanh Hối. Giờ đây, khi hai tuyến đường kể trên được đầu tư, việc đi lại của người dân đã thuận lợi hơn, kinh tế ở xã khó khăn này cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Thế nhưng, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Gia Mô luôn mong mỏi được Đảng, Nhà nước quan tâm, mở rộng và cứng hóa tuyến đường Gia Mô - Thanh Hối, vì con đường này có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của xã.

Đồng chí Bùi Văn Thơ, Chủ tịch UBND xã Gia Mô cho biết: Tuyến đường này không chỉ phục vụ cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân xã Gia Mô, mà còn có vai trò quan trọng với các xã lân cận như xã Lỗ Sơn (Tân Lạc), một số xóm của xã Quyết Thắng (Lạc Sơn). Đây là con đường ngắn nhất kết nối xã Gia Mô với QL12B và các xã, thị trấn của trung tâm huyện Tân Lạc. Đặc biệt, hàng chục năm qua, con em trong xã phải vượt hơn 4 km đường đồi trắc trở để đi học tại trường THPT Đoàn Kết (xã Đông Lai). Ngày nắng còn đỡ, khi mưa xuống, con đường đồi trở nên trơn trượt, lầy lội, việc đi lại hết sức khó khăn.

Theo ông Bùi Văn Dan, Trưởng xóm Gia Phú (xã Gia Mô), xóm có hơn 200 hộ dân, trong đó, trên 100 hộ có đất sản xuất phụ thuộc vào con đường này. Do đường chưa được đầu tư nên việc đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa, bão. Từ thực trạng của con đường mà việc tiêu thụ mía, cây keo của người dân rất khó khăn và bị tư thương ép giá. "Nếu đi theo tuyến đường này ra trung tâm huyện chỉ hơn 10 km, nhưng đi theo tỉnh lộ 436 hay tuyến đường Lỗ Sơn - Tử Nê phải từ 20 - 25 km. Do đó, bà con rất mong muốn được chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư để không chỉ phục vụ phát triển kinh tế, mà khi ốm đau, bệnh tật cũng kịp thời đưa ra bệnh viện. Đặc biệt, trên địa bàn xã chưa có trường THPT nên con em phải đi học xa nhà, như trường THPT Đoàn Kết cách xã chưa đến 10 km, nhưng các cháu phải trọ lại trường vì đi lại quá vất vả” - ông Dan chia sẻ.

Việc con em phải ở trọ khi đi học THPT khiến phụ huynh khó quản lý, nên xảy ra một số vấn đề như tảo hôn hoặc sa vào tai - tệ nạn xã hội. "Nếu con đường được đầu tư mở rộng, con em xã Gia Mô sẽ không phải ở trọ khi học lên THPT. Đồng thời, thúc đẩy giao thương hàng hóa, cũng như tạo điều kiện để địa phương khai thác các tiềm năng, lợi thế trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế như: trồng rừng, nuôi ong lấy mật, nuôi cá. Đây cũng là con đường có vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh hành trình xây dựng nông thôn mới của xã” - đồng chí Bùi Văn Thơ, Chủ tịch UBND xã Gia Mô nhấn mạnh.

Theo thông tin đồng chí Chủ tịch UBND xã Gia Mô, ngày 4/5/2020, tại Quyết định số 895/QĐ-UBND, UBND huyện Tân Lạc đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường từ xã Thanh Hối đi xã Gia Mô, với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng. Đây thực sự là tin vui đối với bà con xã Gia Mô, việc đầu tư con đường liên xã này sẽ tạo động lực cho các xã ở vùng sâu, vùng xa của huyện đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/142607/nang-cap-duong-lien-xa-thanh-hoi-gia-mo-mo-duong-cho-vung-sau-thoat-ngheo.htm