Nâng chất hoạt động các hợp tác xã ở miền núi

Trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh tại HTX Nông nghiệp BB ở huyện Sơn Hòa. Ảnh: MINH DUYÊN

Sau hơn 1 năm kiện toàn và đổi mới, kinh tế tập thể vùng miền núi của tỉnh đạt được những kết quả bước đầu. Các HTX, tổ hợp tác đang hoạt động đáp ứng nhu cầu của người dân và chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông - lâm nghiệp…

Tăng số lượng

Theo Liên minh HTX tỉnh, từ năm 2018 đến nay, 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, số HTX tăng từ 17 HTX lên 24 HTX. Trong đó, huyện Sơn Hòa thành lập mới 4 HTX, Sông Hinh 2 HTX và Đồng Xuân 1 HTX.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Từ 1 HTX, đến nay toàn huyện có 7 HTX đang hoạt động theo Luật HTX 2012 với doanh thu bình quân đạt 260 triệu đồng/HTX, thu hút 280 thành viên tham gia góp vốn. Các đơn vị này hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ các dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp, như: Dịch vụ bơm tưới lúa, quản lý nước sinh hoạt, quản lý chợ, chế biến mủ cao su, trồng rừng, trồng rau và hoa… Thời gian tới, địa phương sẽ thành lập thêm các HTX trong lĩnh vực lâm nghiệp ở các xã Phước Tân và Sơn Hội.

Trong đó, xã Sơn Hội có khoảng 1.500ha đất rừng của hơn 100 hộ dân. Xã Phước Tân có gần 400ha đất rừng của 40 hộ. Người dân cần HTX đứng ra quản lý, vừa tạo ra vùng sinh thái vừa bảo vệ rừng nguyên sinh. Huyện đã có kế hoạch thành lập 2 HTX ở 2 xã này. Khi 2 HTX này đi vào hoạt động, giao Ban quản lý rừng phòng hộ hướng dẫn kỹ thuật khai thác và quản lý rừng; thành viên vào HTX góp vốn bằng chính sổ đất rừng… Việc HTX tập hợp các hộ đơn lẻ để quản lý chung sẽ giúp địa phương hạn chế được tình trạng các hộ được giao rừng chuyển nhượng quyền sử dụng khi gặp khó khăn về kinh tế, dẫn tới nguy cơ phá vỡ rừng nguyên sinh hoặc thất thoát tài sản rừng.

Còn theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, hiện các HTX ở địa phương không chỉ hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp mà còn mở rộng ra cả lâm nghiệp và dịch vụ. Các HTX hoạt động với tổng doanh thu hơn 10,9 tỉ đồng, lợi nhuận bình quân đạt gần 1,6 tỉ đồng. Trong 10 HTX nông nghiệp đang hoạt động thì 9 HTX có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, các nhà máy.

Hiện nay, nhiều nông sản của địa phương như lúa, đậu phộng, sắn được các HTX đứng ra bao tiêu. Tuy quy mô còn nhỏ song đã góp phần bình ổn giá, hạn chế được tình trạng tư thương ép giá ở vùng nông thôn. Ngoài ra, nhiều HTX hoạt động hiệu quả cũng giúp các xã sớm về đích nông thôn mới như xã Xuân Sơn Nam, Xuân Phước, Xuân Quang 3.

"Nhìn tổng thể, căn bản kinh tế tập thể ở vùng miền núi đang dần đi vào hoạt động ổn định, hỗ trợ được người dân trong phát triển kinh tế hộ, đáp ứng yêu cầu của chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi".

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

Gắn với chất lượng

Trước đây, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) từng hoạt động cầm chừng, đứng trước nguy cơ giải thể. Sau khi kiện toàn, đơn vị đã từng bước mở rộng dịch vụ, hòa nhập thị trường. Theo ông Nguyễn Đình Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bình Đông, từ dịch vụ thủy nông, nay HTX đã mở rộng thêm dịch vụ cung ứng giống, phân bón phục vụ bà con trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, HTX phối hợp với Hội Nông dân xã nhân rộng kỹ thuật ủ chua cỏ bò cho người dân trong xã, xây dựng nhà xưởng chế biến cỏ ủ chua và hợp đồng với Công ty Chất đốt nguyên liệu sạch để xuất sản phẩm này sang Nhật Bản.

Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình Đông hoạt động hiệu quả góp phần đưa xã Đức Bình Đông về đích nông thôn mới. Cùng với đó, địa phương đầu tư thành lập mới 4 HTX. Hiện nay, các đơn vị này ngoài tổ chức tốt công tác khuyến nông, quản lý sản xuất đã mở thêm dịch vụ mới như cung ứng lúa giống, mô hình trồng măng tây…

Với phương châm không chạy theo số lượng mà thành lập mới HTX trên nhu cầu thực tế nên các HTX ở huyện Sơn Hòa đều sớm ổn định hoạt động, tạo thu nhập cho người lao động. Ông Phạm Đình Phụng cho biết thêm: Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng 4 HTX mới thành lập đã thu hút hơn 30 thành viên góp vốn, nâng tổng vốn điều lệ của các đơn vị này hơn 3 tỉ đồng. Các đơn vị này giải quyết việc làm cho từ 20-50 lao động với mức thu nhập từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Trước năm 2017, địa phương có 2 HTX là HTX Dịch vụ tổng hợp Ngân Điền và HTX Nông nghiệp thị trấn Củng Sơn, nhưng địa phương vẫn quyết định giải thể HTX Nông nghiệp thị trấn Củng Sơn chuyển thành tổ hợp tác thủy nông vì hoạt động không hiệu quả nhiều năm liền. Những HTX sau này thành lập phải đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu Luật HTX 2012 thì mới được cấp giấy phép hoạt động…

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Một thời gian dài, sản xuất nông nghiệp ở vùng miền núi ổn định nhờ được các nhà máy bao tiêu sản phẩm, nên người dân và cả chính quyền địa phương chưa thấy hết được tầm quan trọng của các HTX. Việc thành lập mới HTX không được quan tâm đúng mức và công tác kiện toàn HTX đang hoạt động hạn chế, khiến hàng loạt HTX giải thể hoặc rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng.

Đến cuối năm 2017, 2 huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, mỗi huyện chỉ còn lại 1 HTX. Cho tới khi quy định mới về tiêu chí 13 trong xây dựng NTM có hiệu lực gắn chặt với mô hình HTX thì các địa phương mới có điều kiện lồng ghép đầu tư xây dựng NTM với củng cố, kiện toàn HTX. Điều đáng ghi nhận là các địa phương không chạy theo số lượng, các HTX mới ra đời đều có chất lượng; số HTX cũ được củng cố lại theo tiêu chuẩn của Luật HTX 2012.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/224390/nang-chat-hoat-dong-cac-hop-tac-xa-o-mien-nui%C2%A0%C2%A0%C2%A0.html