Nâng giá trị chè Sông Cầu

Chè là cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và là cây trồng chủ lực của nông dân thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), nhưng do tập quán canh tác cũ nên giá trị không cao. Từ khi được sự đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, chè Sông Cầu được sản xuất theo quy trình sạch, có thương hiệu, được người tiêu dùng tín nhiệm, tăng thu nhập cho nông dân.

Thị trấn Sông Cầu có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Thị trấn Sông Cầu có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Ở thị trấn Sông Cầu, đất đai và khí hậu phù hợp, người dân đã tạo ra vùng sản xuất chè, nhưng sản xuất theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức trong quá trình chăm sóc nên làm cho đất bạc mầu, chai cứng, hàm lượng mùn và tỷ lệ vi sinh vật hữu ích trong đất thấp, khả năng hút dinh dưỡng, quang hợp của cây chè giảm, sinh trưởng, phát triển chậm, số lứa hái trong năm ít, năng suất và chất lượng không tương xứng với lợi thế.

Mặt khác, việc phun thuốc bảo vệ thực vật ( BVTV) theo định kỳ gây lãng phí nguồn thuốc, phun không đúng thời điểm đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại, làm tăng khả năng kháng thuốc và bùng phát một số đối tượng sâu gây hại. Số lượng thuốc và số lần phun nhiều gây ô nhiễm môi trường, chưa bảo đảm thời gian cách ly làm ảnh hưởng đến chất lượng chè, ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Sản xuất, chế biến chè theo phương pháp thủ công quy mô hộ, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất. Việc quảng bá, tiêu thụ chè có nhiều hạn chế, giá trị chè thấp, thu nhập của người dân không cao.

Để nâng giá trị chè, cải thiện đời sống nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã giao Sở NN và PTNT Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên xây dựng “Mô hình hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Mô hình được thực hiện trên diện tích 50 héc- ta tại thị trấn Sông Cầu với 150 hộ tham gia từ năm 2017.

Thực hiện mô hình, các hộ được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, UBND thị trấn Sông Cầu cử cán bộ kỹ thuật kiên trì thuyết phục, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” cho nông dân thực hiện đúng quy trình từ thời điểm đốn chè, thời gian bón phân, lượng phân bón, hướng nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học và thảo mộc, thời điểm phun thuốc, thời điểm thu hái, chế biến, ghi chép sổ nhật ký, xây dựng mã vạch để truy xuất nguồn gốc.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng làng nghề truyền thống xóm 9, Tổ trường tổ dịch vụ BVTV vui mừng: “Sau hai năm thực hiện mô hình, các hộ đã thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất chè an toàn, nắm vững và thực hiện thuần thục các quy trình VietGap, các tổ liên kết sản xuất chè vệ sinh an toàn thực phẩm hoạt động có hiệu quả, mẫu mã đóng gói được cải thiện, qua đó nâng cao năng suất và giá trị chè Sông Cầu”.

Tăng giá trị

“Mô hình hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã giúp cho nông dân thị trấn Sông Cầu biết đầu tư phân bón, chăm sóc, tưới nước, quản lý sâu bệnh, thu hoạch bảo đảm khoa học. Nông dân chú trọng tưới nước cho chè trong thời gian khô hạn, vụ đông và hạn chế tối đa sử dụng phân đạm và thuốc BVTV hóa học là những yếu tố quyết định tăng năng suất, chất lượng chè, bảo đảm an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng nên đã mang lại hiệu quả cao.

Thực hiện mô hình, năng suất trung bình chè búp tươi đạt 11,2 tấn/ héc- ta, tăng 2,6 tấn so với trước đây, tổng thu nhập bình quân đạt 249 triệu đồng/ héc- ta chè, cao hơn trước khi thực hiện mô hình là 106 triệu đồng, nếu chế biến thì mang lại giá trị bình quân đạt 336 triệu đồng/ héc- ta chè. Trong quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị, HTX chè Thịnh An và các tổ liên kết sản xuất đã biết phát huy thế mạnh của từng thành viên, các thành viên bán chè tươi cho những người có kinh nghiệm chế biến để nâng giá trị, tạo thương hiệu chè Sông Cầu.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao “Mô hình hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tại thị trấn Sông Cầu.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao “Mô hình hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tại thị trấn Sông Cầu.

Đáng chú ý là, đến nay ở thị trấn Sông Cầu, trong quá trình sản xuất chè, người dân đã ứng dụng các biện pháp kỹ thuật cơ giới, xây dựng được những mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè vững chắc, bảo đảm an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng tín nhiệm, đánh giá cao, chè chất lượng cao bán giá 1,5 triệu đồng/ kg, góp phần tích cực tăng thu nhập cho nông dân.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Sông Cầu Đoàn Văn Điển cho biết: “Để có kết quả sản xuất chè như ngày hôm nay, chúng tôi đánh giá cao việc tổ chức thực hiện mô hình một cách bài bản, khoa học của đội ngũ cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh và cán bộ có liên quan ở thị trấn. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vũ Thị Thương Huyền đã có công lớn trong việc tổ chức nông dân hăng hái thực hiện mô hình, nhiệt tình, tận tâm, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm để mang lại lợi ích cho nông dân”.

Đến thị trấn Sông Cầu, thấy những đồi chè san sát như bát úp, xanh mướt, được chỉnh trang đẹp mắt, gọn gàng. Đây là tiền đề để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng chè. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của bà Huyền.

Bà Huyền cho biết: “Ngày nay chè sản xuất ở thị trấn Sông Cầu được cấp mã số, mã vạch, được người tiêu dùng trong nước biết đến, tin dùng và tới đây sẽ xuất khẩu lô chè Sông Cầu đầu tiên sang Malaysia. Mô hình hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng chè vốn đã được người tiêu dùng ưa chuộng”.

THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/40402802-nang-gia-tri-che-song-cau.html