Nâng hiệu quả mô hình trường tiên tiến
Sau hơn 15 năm thí điểm triển khai, mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, đến năm 2021, mô hình này có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tế. Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều đề xuất khắc phục các hạn chế, vướng mắc để mô hình này phát huy hiệu quả hơn nữa.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, từ khi triển khai vào năm 2005 đến năm học 2020-2021, thành phố có 40 trường học thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế (trường tiên tiến). Trong đó có 16 trường mầm non với 4.915 học sinh, 13 trường tiểu học (9.273 học sinh), 8 trường trung học cơ sở (6.000 học sinh) và 3 trường trung học phổ thông (4.049 học sinh). Tại các trường học theo mô hình trường tiên tiến, học sinh được tiếp cận với phương pháp giáo dục hiện đại, được trang bị kỹ năng ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quốc tế…
Đơn cử như quận Gò Vấp có 2 trường học theo mô hình trường tiên tiến. Các trường này được đầu tư khang trang, sạch đẹp, các lớp học được trang bị màn hình LCD, bảng tương tác, máy tính kết nối internet. Đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, giúp học sinh chủ động trong việc học tập, phát triển năng lực, tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp. Chị Trần Thị Thanh, có con đang học lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp cho biết: "Con tôi học ở trường tiên tiến với lớp học hiện đại, giáo viên có trình độ cao, chương trình ngoại khóa hữu ích. Tôi ủng hộ mô hình này để con có thể tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến của thế giới".
Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm, mô hình này đang gặp một số khó khăn. Cụ thể là hệ thống văn bản pháp lý của thành phố về mô hình trường tiên tiến vẫn chưa đầy đủ. Nhiều quy định không phù hợp Luật Giáo dục 2019 và chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, mức học phí 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng là không đủ so với yêu cầu thuê giáo viên tiếng Anh, thuê giáo viên tin học theo chuẩn quốc tế; thiếu kinh phí tổ chức mô hình giáo dục STEM - STEAM... Việc yêu cầu sĩ số lớp học ít (25 em/lớp) là không phù hợp với thực tế, khi nhiều địa phương tại thành phố Hồ Chí Minh không đủ trường lớp bởi dân số cơ học tăng cao... Chính vì vậy, chỉ tiêu mỗi thành phố, quận, huyện có ít nhất một cấp học theo mô hình tiên tiến ở mỗi trường chưa thể đạt được.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho biết, ngành Giáo dục sẽ tham mưu thành phố ban hành các chính sách phát triển mô hình trường tiên tiến phù hợp với Luật Giáo dục và chương trình giáo dục phổ thông mới; kiến nghị cho phép tăng học phí và sĩ số lớp phù hợp thực tế. "Sở kiến nghị thành phố cho phép nâng các bậc mầm non bình quân 30 học sinh/lớp, tiểu học không quá 35 học sinh/lớp, trung học cơ sở và trung học phổ thông không quá 40 học sinh/lớp", ông Lê Hồng Sơn thông tin.