Nâng hiệu quả truyền tải, giảm tổn thất hệ thống điện cho khu vực miền Nam

Việc đóng điện đưa vào vận hành hệ thống tụ bù ngang tại Trạm Biến áp 220KV Mỹ Phước có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm mục đích đảm bảo điện áp trong các chế độ vận hành.

Lễ khánh thành công trình lắp đặt tụ bù ngang trên lưới truyền tải điện phần trạm biến áp 200kV Mỹ Phước. Ảnh: Hải Âu-TTXVN

Lễ khánh thành công trình lắp đặt tụ bù ngang trên lưới truyền tải điện phần trạm biến áp 200kV Mỹ Phước. Ảnh: Hải Âu-TTXVN

Ngày 1/8, tại Bình Dương, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cùng Công ty Truyền tải Điện 4 đã tổ chức khánh thành công trình lắp đặt tụ bù ngang trên lưới truyền tải điện khu vực miền Nam phần trạm 200kV Mỹ Phước, với tổng mức đầu tư trên 31 tỷ đồng.
Theo Công ty Truyền tải Điện 4, Trạm biến áp 220kV Mỹ Phước có vai trò quan trọng cung cấp điện cho các khu công nghiệp lớn như: Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, An Tây, Thới Hòa và một phần phụ tải sinh hoạt của tỉnh Bình Dương. Để đáp ứng hệ thống lưới điện, tại trạm biến áp 220kV Mỹ Phước, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cùng Công ty Truyền tải Điện 4 đã lắp đặt 2 tụ bù ngang với công suất mỗi tụ là 50MVar.

Công trình tụ bù ngang trên lưới truyền tải điện phần trạm biến áp 200kV Mỹ Phước. Ảnh: Hải Âu-TTXVN

Công trình tụ bù ngang trên lưới truyền tải điện phần trạm biến áp 200kV Mỹ Phước. Ảnh: Hải Âu-TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 4 cho biết, việc đóng điện đưa vào vận hành hệ thống tụ bù ngang tại Trạm Biến áp 220KV Mỹ Phước có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm mục đích đảm bảo điện áp trong các chế độ vận hành từ đó nâng cao chất lượng điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; nâng cao hiệu quả truyền tải công suất tác dụng, góp phần giảm tổn thất hệ thống điện khu vực.
Sau khi đóng điện vận hành 2 giàn tụ, do đặc thù trạm đang cung cấp điện cho khu công nghiệp lớn thuộc tỉnh Bình Dương nên giá trị làm lợi về giảm tổn thất và mặt kinh tế là rất lớn; trong đó, giảm tổn thất của công suất là 2.6MW/giờ, tổn thất được tính theo 1 năm với bình quân 3.000 giờ là 7.800MWh, làm lợi khoảng trên 12 tỷ đồng cho mỗi năm vận hành.

Khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc trong việc xây dựng công trình. Ảnh: Hải Âu - TTXVN

Khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc trong việc xây dựng công trình. Ảnh: Hải Âu - TTXVN

Lưới điện khu vực miền Nam hiện có 9 Trạm biến áp 500kV, 38 trạm biến áp 220/110kv, tổng công suất các máy biến áp 500/220kV và 220/110kV hơn 28.900MVA, sản lượng điện truyền tải giao nhận ở cấp điện áp 110kV là hơn 77 tỷ kwh mỗi năm. Với dung lượng máy biến áp và sản lượng điện truyền tải cao như trên, lượng công suất không công truyền tải trên hệ thống là rất lớn, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng điện áp và gây ra tổn thất kỹ thuật khá nhiều.
Vì vậy, ngoài việc lắp đặt tụ bù ngang trên lưới truyền tải phần trạm 200kV Mỹ Phước (Bình Dương), Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và Công ty Truyền tải Điện 4 cũng sẽ thực hiện lắp đặt tụ bù ngang trên lưới điện truyền tải khu vực Nam tại 4 trạm biến áp 220kV khác.

Đó là, Trạm biến áp 220kV Long An, 220kV Cao Lãnh (Đồng Tháp), 220kV Tây Ninh và 220kV Xuân Lộc (Đồng Nai). Tổng mức đầu tư cho việc lắp đặt tụ bù ngang trên lưới truyền tải điện của 5 trạm biến áp này là 148 tỷ đồng./.

Hải Âu/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nang-hieu-qua-truyen-tai-giam-ton-that-he-thong-dien-cho-khu-vuc-mien-nam/52671.html