Nâng ngực bằng mỡ tự thân, một phụ nữ mưng mủ hai bên ngực, nhiễm trùng da

Sau hơn 2 tháng phẫu thuật nâng ngực bằng mỡ tự thân, chị N.N.V (Thái Nguyên) nhập viện vì sưng nề, mưng mủ trầm trọng hai bên ngực và được chẩn đoán nhiễm trùng da mô mềm do vi khuẩn.

Sau hơn 2 tháng phẫu thuật nâng ngực bằng mỡ tự thân, chị N.N.V (42 tuổi, Thái Nguyên) đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám trong tình trạng đau, sưng nề, mưng mủ trầm trọng hai bên ngực. Trước đó, chị V đã khám tại cơ sở y tế địa phương, được chẩn đoán nhiễm trùng da mô mềm nhưng điều trị không hiệu quả.

Tai biến sau nâng ngực (ảnh minh họa).

Tai biến sau nâng ngực (ảnh minh họa).

Tại bệnh viện, kết quả siêu âm và chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân cho thấy hình ảnh các ổ dịch viêm, áp xe rải rác tuyến vú hai bên. Kết quả chọc dịch ổ áp xe lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, phát hiện nhiễm vi khuẩn NTM (Non Tuberculosis Mycobacteria). Đây là một nhóm vi khuẩn có mặt trong môi trường (đất, nước…) gây ra tình trạng nhiễm trùng, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch kém.

BSNT Trần Hữu Đạt, Phòng Vi sinh, Trung tâm Xét nghiệm Medlatec cho biết: Nhắc đến chủng Mycobacteria, nhiều người lầm tưởng NTM là nguyên nhân gây bệnh lao, tuy nhiên, đây là một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng ngoài phổi mà không phải bệnh lao. Vi khuẩn NTM gây ra các triệu chứng như viêm phổi, ho khan kéo dài, sốt, giảm cân, viêm mô mềm, viêm da, nhiễm trùng sau phẫu thuật…

Tỷ lệ nhiễm trùng da mô mềm do NTM đang ngày càng gia tăng. Tình trạng này thường bị bỏ qua do triệu chứng không điển hình và bác sĩ không chỉ định thường quy các xét nghiệm chẩn đoán NTM. Đồng thời, điều trị nhiễm vi khuẩn này khác hoàn toàn với các nhiễm trùng do vi khuẩn thông thường khác, do NTM có tỷ lệ kháng thuốc cao, tính dung nạp thuốc kém, phác đồ điều trị rất dài và cần phối hợp nhiều thuốc.

Nhận định về trường hợp chị V, BS Đạt cho biết: Nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiễm trùng của chị V. có thể do quá trình thực hiện phẫu thuật không đảm bảo các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Với trường hợp này vấn đề thẩm mỹ không còn đặt lên hàng đầu mà trước mắt cần giải quyết tình trạng nhiễm trùng cho bệnh nhân, phòng tránh tai biến sốc nhiễm khuẩn, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.

Ngay sau khi phát hiện nguyên nhân, các bác sĩ đã kịp thời xử trí dẫn lưu dịch và điều trị phác đồ kháng sinh nghiêm ngặt. Sau 1 tháng, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân hết hoàn toàn, kết quả xét nghiệm vi sinh không phát hiện vi khuẩn.

Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội, bất kỳ can thiệp nào cũng đều chứa rủi ro. Trong phẫu thuật thẩm mỹ, biến chứng thường gặp là nhiễm trùng, dị dạng, biến dạng ở vị trí thẩm mỹ, chảy máu và nguy hiểm nhất là tử vong.

Khi đời sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu làm đẹp của người dân cũng tăng theo. Để đáp ứng nhu cầu đó, rất nhiều spa – thẩm mỹ viện ra đời, song song với những cơ sở có chất lượng chuyên môn cao, được thẩm định và cấp phép hành nghề, vẫn còn tồn tại rất nhiều cơ sở mở "chui", người hành nghề không được đào tạo bài bản, thậm chí không có chuyên môn về y tế vẫn ngang nhiên thực hiện các thủ thuật xâm lấn lên người khách hàng.

Do đó, ông khuyến cáo những khách hàng có nhu cầu làm đẹp có thể chọn những cơ sở uy tín, đã được thẩm định và cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình và đảm bảo nhất là sức khỏe, tính mạng của mình.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nang-nguc-bang-mo-tu-than-mot-phu-nu-mung-mu-hai-ben-nguc-nhiem-trung-da-192240708104842864.htm