Nắng nóng gia tăng về cường độ và kéo dài trong nhiều ngày

Ngày 5 và 6-7, Hà Nội và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nắng nóng, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất 37-38 độ C. Từ ngày 7-7, nắng nóng tại Hà Nội và khu vực nêu trên gia tăng về cường độ, đồng thời kéo dài trong nhiều ngày.

Từ khoảng 12h đến 16h ngày mai (5-7), thành phố Hà Nội nắng nóng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C.

Trưa và chiều nay (4-7), thành phố Hà Nội nắng nóng; nhiệt độ cao nhất lúc 13h ghi được tại Trạm khí tượng Láng là 37 độ C, Hoài Đức 35,9 độ C, Hà Đông 35,8 độ C, Ba Vì 35,2 độ C, Sơn Tây 34,9 độ C… Chiều tối và đêm nay, nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội mưa rào và dông, bắt đầu từ các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Đông Anh sau đó lan sang các vùng lân cận.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ dự báo, do vùng áp thấp nóng phía Tây có xu hướng phát triển và mở rộng nên ngày mai (5-7) và ngày 6-7, thành phố Hà Nội tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt; nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C; thời gian xuất hiện nắng nóng, có nhiệt độ cao hơn 35 độ C là từ 12h đến 16h hằng ngày. Sang ngày 7-7, cường độ nắng nóng tại Hà Nội có xu hướng tăng.

Các tỉnh, thành phố còn lại thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa, ngày 5-7, nắng nóng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi cao hơn 36 độ C. Đến ngày 6-7, các khu vực và tỉnh nêu trên tiếp tục nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi cao hơn 37 độ C. Đợt nắng nóng này tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh Hòa Bình có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

Ngoài ra, từ chiều tối nay đến sáng sớm 5-7, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, mưa rào và dông, có nơi mưa vừa, mưa to; riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 40-100mm, có nơi cao hơn 150mm. Kết hợp với lượng mưa lớn xảy ra trước đó, các tỉnh phía Bắc có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng tại những vùng trũng thấp.

Trên các sông suối nhỏ khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ và thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1 đến 3m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ có khả năng lên trên mức báo động lũ cấp I. Đỉnh lũ trên các sông chính thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình còn ở dưới mức báo động lũ cấp I.

Trước dự báo trên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh phía Bắc theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nang-nong-gia-tang-ve-cuong-do-va-keo-dai-trong-nhieu-ngay-634146.html