Nắng nóng khắp cả nước
Nắng nóng dự báo còn kéo dài từ nay đến tháng 8. Người dân cần đề phòng nguy cơ mắc các bệnh, có thể gây đột quỵ, trụy tim, tử vong do sốc nắng gây ra
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, những ngày vừa qua, nắng nóng gay gắt xảy ra trên diện rộng, nhiệt độ phổ biến ở mức 37-39 độ C, nhiều nơi như Hà Nội trên 40 độ C.
Thiết lập kỷ lục mới
Theo cơ quan trên, trong ngày 22-5, nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Trung Bộ với nền nhiệt cao nhất phổ biến 37-40 độ C, riêng vùng núi phía Tây của Trung Bộ có nơi 41-42 độ C. Phía Tây Bắc Bộ, nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nền nhiệt cao nhất phổ biến 34-37 độ C.
Trước đó một ngày, số liệu ghi nhận vào ngày 21-5 cho thấy đợt nắng nóng vừa qua đã thiết lập những kỷ lục mới. Cụ thể, tại Lào Cai, nhiệt độ cao nhất đo được là 41,8 độ C, vượt mốc lịch sử 41 độ C đo được ngày 22-5-1957. Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng Lào Cai, đánh giá mức nhiệt 41,8 độ C đã thiết lập kỷ lục mới, chưa năm nào tháng 5 ghi nhận nhiệt độ cao đỉnh điểm như vậy.
Tương tự, tại Bắc Mê (Hà Giang), nhiệt độ cao nhất đo được ngày 21-5 là 40,4 độ C, vượt mốc lịch sử 39,8 độ C ngày 12-5-1966; tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) là 41,2 độ C, vượt mốc lịch sử 40,8 độ C ngày 23-6-1973; tại Hà Đông (Hà Nội) là 40,9 độ C, nhiệt độ cao nhất trong tháng 5 từ năm 1961 đến nay.
Riêng tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, trong các ngày 20, 21 và 22-5, ngay từ sáng sớm, người dân đã cảm nhận rõ rệt thời tiết nắng nóng gay gắt, oi bức. Vào buổi trưa, trên các đường phố ở Hà Nội nắng nóng như chảo lửa, nhiệt độ trên 41 độ C (ngày 22-5).
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo Khí hậu thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nhận định các đợt nắng nóng sẽ còn tiếp tục diễn ra, tập trung từ tháng 5 đến tháng 6 ở Bắc Bộ và từ tháng 5 - 8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Trong khi đó, theo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, tại khu vực TP HCM và các tỉnh Nam Bộ, nắng nóng tiếp tục duy trì thêm 10 ngày nữa, từ ngày 22-5 đến đầu tháng 6 với nền nhiệt phổ biến 34-37 độ C.
Ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng Phòng Dự báo, Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, giải thích hiện tượng nắng nóng trong đầu mùa mưa ở TP HCM là do áp cao Tây Thái Bình Dương đang hoạt động mạnh và có rãnh áp thấp ở phía Bắc nối với áp thấp nóng phía Tây bị nén về phía Nam. Bà Lê Thị Xuân Lan - chuyên gia khí tượng, cho hay gió Tây Nam còn đang tác động mạnh gây ra nắng nóng trong những ngày tới. Người dân sẽ cảm nhận sự oi bức từ sáng sớm đến chiều tối. Cũng theo bà Lan, kết quả dự báo từ các đài khí tượng chỉ đạt từ 34-37 độ C nhưng thực tế nếu di chuyển trên đường nhựa, đường bê-tông, hiện tượng bức xạ nhiệt lên đến 40-42 độ C, rất có hại cho sức khỏe.
Sốc nhiệt do nắng nóng đỉnh điểm
Nắng nóng diện rộng và gay gắt những ngày gần đây đã khiến nhiều người đổ bệnh, phải nhập viện cấp cứu. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân (nữ, 49 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ninh) được chuyển lên trong tình trạng rối loạn ý thức, rối loạn đông máu, tụt huyết áp, tổn thương gan, thận, tim... do nắng nóng. Người nhà bệnh nhân cho biết trước đó bệnh nhân có đốt nương trong thời tiết nắng nóng cao điểm. Đám cháy lan nhanh, do cố dập lửa trong thời gian kéo dài, sức nóng của lửa và nhiệt độ tăng cao khiến bệnh nhân say nắng, say nóng, nhanh chóng rơi vào hôn mê...
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), thời tiết nắng nóng như những ngày qua ảnh hưởng lớn đến cơ chế điều hòa thân nhiệt, có thể làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao. Lúc này, con người sẽ rơi vào trạng thái chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức. Thân nhiệt tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến chức năng tim phổi, hệ thần kinh...
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Hữu Nghị (Hà Nội), xác nhận những ngày gần đây, lượng bệnh nhân vào thăm khám do liên quan đến nhiệt độ có xu hướng tăng với các triệu chứng như: đường huyết tăng cao, tăng huyết áp, suy tim nặng hơn… "Nắng nóng có thể khiến người già có cơn tăng huyết áp, cơn đột quỵ - đặc biệt là tình trạng sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ tăng quá cao có thể dẫn đến hôn mê, rối loạn tất cả các chức năng khác của cơ thể" - bác sĩ Khiêm cảnh báo.
Bác sĩ Đỗ Thế Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội), khuyến cáo thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người già mắc các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch; phụ nữ có thai; trẻ em có thể bị sốt cao, co giật; người lao động ngoài trời dễ bị say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước,... dẫn đến các biến chứng như nói trên. Cách tốt nhất là người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ hạn chế ra đường vào buổi trưa, công nhân mặc đồ bảo hộ kỹ và hạn chế làm việc lâu trên công trường.
Dễ gây bệnh về da, hô hấp
Tại TP HCM, lượng người đến khám bệnh tại các bệnh viện liên quan đến thời tiết nắng nóng cũng có chiều hướng tăng trong những ngày qua. Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Thống Nhất, khuyến cáo trong trường hợp có biểu hiện sốc nhiệt (hay còn gọi là say nắng, sốc nắng), người dân cần đến ngay bệnh viện. Nếu không được can thiệp đúng và kịp thời, say nắng nặng có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như ngất, hôn mê, trụy tim mạch và tử vong.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM, trời nắng nóng còn là mối đe dọa cho làn da. Bởi khi nắng gắt, tia UV quá cao, việc tiếp xúc với ánh nắng có thể gây cả dạng tác hại tức thời (như bỏng da, sạm da) và tác hại tích lũy (lão hóa da, ung thư da...).
Mùa nắng nóng còn là mùa của bệnh hô hấp, do thói quen giải nhiệt sai cách như lạm dụng quạt máy, máy lạnh, nước đá... Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), trẻ em là đối tượng hay bị bệnh hô hấp mùa nóng nhất. Cách phòng ngừa là hãy cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, giữ nhà cửa thông thoáng thay vì cố giải nhiệt bằng quạt máy, máy lạnh công suất quá cao.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nang-nong-khap-ca-nuoc-20200522215955253.htm