Nắng nóng kỷ lục khiến châu Á càng 'khát' năng lượng Nga

Trong những tuần gần đây, nắng nóng gay gắt trên diện rộng càng khiến nhiều quốc gia tại châu Á tăng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga.

Gần đây, một đợt nắng nóng gay gắt đã bùng phát trên một vùng rộng lớn của châu Á. Từ Ấn Độ đến Philippines, các quan chức ở nhiều thành phố đã phải quyết định đóng cửa các trường học, kêu gọi người dân ở nhà và đề phòng các dấu hiệu say nắng, sốc nhiệt, theo CNA.

Trong khi nhiệt độ cao khiến một số con đường ở Bangladesh, Ấn Độ chảy nhựa, thì tại Thái Lan, nhiều cử tri bị ngất xỉu khi xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu sớm.

 Người dân chen chúc tại điểm bỏ phiếu Trường đại học Ramkhamhaeng, thủ đô Bangkok sáng 7-5 - Ảnh: THAIRATH.

Người dân chen chúc tại điểm bỏ phiếu Trường đại học Ramkhamhaeng, thủ đô Bangkok sáng 7-5 - Ảnh: THAIRATH.

Ngày 13/5, Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong 40 năm qua là 37 độ C và cảnh báo tình trạng thời tiết khô nóng này còn tiếp diễn. Trong khi đó, Philippines cũng ghi nhận nền nhiệt đạt đến mức "nguy hiểm" với sự kết hợp giữa nhiệt độ dao động từ 42-51 độ C và độ ẩm cao.

Thủ đô Vientiane của Lào cũng phá kỷ lục mọi thời đại vào cuối tuần qua với nhiệt độ 42,5 độ C. Thái Lan trải qua ngày có nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở Thủ đô Bangkok, lên tới 41 độ C vào cuối tuần trước.

Tại Việt Nam, nhiệt độ đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 44,2 độ C vào đầu tháng 5. Ngay cả tại Trung Quốc, nhiều thành phố lớn đã đưa ra những cảnh báo nắng nóng. Đầu tuần này, nhiệt độ ở Bắc Kinh là 36 độ, tỉnh Vân Nam vốn nổi tiếng với thời tiết dễ chịu thì gần đây cũng có nhiệt độ hơn 40 độ.

 Khách du lịch che nắng khi nhiệt độ tăng cao ở Bắc Kinh vào ngày 15/5. Nhiếp ảnh gia: Wang Xin/VCG/Getty Images.

Khách du lịch che nắng khi nhiệt độ tăng cao ở Bắc Kinh vào ngày 15/5. Nhiếp ảnh gia: Wang Xin/VCG/Getty Images.

Nỗ lực đảm bảo có đủ số lượng than, khí đốt và dầu nhiên liệu để duy trì hoạt động cho mạng lưới điện quốc gia, năng lượng của Nga bị phương Tây xa lánh đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với nhiều nước trong khu vực châu Á.

John Driscoll, giám đốc của JTD Energy Services Pte tại Singapore cho biết: “Hiện nay, nơi phải hứng chịu làn sóng nhiệt thiêu đốt khắc nghiệt nhất là Nam Á, đặc biệt là các quốc gia nghèo khó như Pakistan hay Bangladesh”.

Trong năm 2023, xuất khẩu than nhiệt và khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Á, hai loại nhiên liệu thường được sử dụng để phát điện, đã tăng rõ rệt, số liệu từ công ty tình báo dữ liệu Kpler.

Riêng tháng 4, khối lượng than nhập khẩu tăng mạnh lên 7,46 triệu tấn, cao hơn khoảng 1/3 so với một năm trước đó. Giá các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng đến châu Á cũng đã vọt tăng trong những tháng gần đây sau khi giảm từ mức cao kỷ lục khiến nhiều quốc gia nghèo không thể mua được loại nhiên liệu này.

Trong khi đó, nhập khẩu dầu mazut của Nga, một loại dầu rẻ hơn để sản xuất điện, có hai tháng cao nhất được ghi nhận vào tháng 3 và tháng 4, theo Kpler.

Động lực để khu vực mua thêm năng lượng của Nga có thể sẽ tăng lên do hiện tượng thời tiết El Ninõ đang nổi lên, vốn đã khiến thủy ngân tăng vọt ở các khu vực.

Thủ tướng Việt Nam đã cảnh báo về tình trạng thiếu điện trong tháng này, trong khi Myanmar đang phải vật lộn với tình trạng mất điện ngày càng trầm trọng.

Aniket Autade, nhà phân tích cơ bản về năng lượng của Rystad Energy, cho biết tại Ấn Độ, nhu cầu năng lượng nhiệt có thể sẽ được đáp ứng chủ yếu bằng than đá.

 Những người đàn ông nghỉ ngơi dưới gốc cây trong một ngày hè nóng nực ở Prayagraj, Ấn Độ vào ngày 11/5. Nhiếp ảnh gia: Sanjay Kanojia/AFP/Getty Images.

Những người đàn ông nghỉ ngơi dưới gốc cây trong một ngày hè nóng nực ở Prayagraj, Ấn Độ vào ngày 11/5. Nhiếp ảnh gia: Sanjay Kanojia/AFP/Getty Images.

Trung Quốc và Ấn Độ - những người mua dầu giảm giá nhiệt tình nhất của Nga - cũng đang mua nhiều than, khí đốt và dầu mazut nhất. Họ đã lấy hơn 2/3 lượng than của Nga gửi đến châu Á vào tháng trước, theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu của Kpler.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã chiếm 15% các lô hàng, trong khi Việt Nam, Malaysia và Sri Lanka cũng nổi lên như những người mua đáng kể.

Đối với dầu nhiên liệu, Trung Quốc và Ấn Độ một lần nữa là những người mua lớn nhất từ Nga, với lần lượt Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng là những nhà nhập khẩu lớn, số liệu của Kpler cho thấy.

Theo Emma Li, một nhà phân tích của Vortexa, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka có thể sẽ nhập khẩu thêm dầu nhiên liệu của Nga để sản xuất điện. Theo bà, Trung Đông gần đây cũng đã tăng nhập khẩu và điều đó có thể sẽ tiếp tục trong mùa hè.

 Một người đàn ông bị dính dép trên nhựa đường tan chảy khi cố gắng băng qua đường giữa trời nắng "đổ lửa" ở Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: REUTERS.

Một người đàn ông bị dính dép trên nhựa đường tan chảy khi cố gắng băng qua đường giữa trời nắng "đổ lửa" ở Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: REUTERS.

Trong tháng này, Pakistan cho biết quốc gia này muốn thanh toán tiền nhập khẩu dầu của Nga bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Quốc gia này đã đặt hàng một lô hàng dầu thô, nhưng rất muốn có một thỏa thuận dài hạn để mua nó bằng đồng tiền Trung Quốc, Bộ trưởng Điện lực của nước này cho biết.

Theo Chris Wilkinson, nhà phân tích cấp cao về năng lượng tái tạo tại Rystad, ngay cả Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ không muốn tăng nhập khẩu từ Nga, cũng có thể mở rộng mua trong giới hạn hợp đồng.

“Nhật Bản có thể xem xét mua thêm LNG từ Nga theo các hợp đồng dài hạn hiện có, vì đất nước này có thể tiết kiệm chi phí hơn so với mua trên thị trường giao ngay,” ông nói.

Đối với Driscoll của JTD Energy, việc nhiều quốc gia châu Á ngày càng tăng mua năng lượng của Nga làm nổi bật cả ảnh hưởng đang suy giảm của Nhà Trắng và tình thế nguy hiểm mà nhiều quốc gia đang lâm vào.

Lê Na (Theo Bloomberg)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nang-nong-ky-luc-khien-chau-a-cang-khat-nang-luong-nga-post248626.html