Nâng quyền lợi, tăng trách nhiệm cho hội viên nông dân

Với phương châm hướng về cơ sở, vì quyền lợi, trách nhiệm của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) chú trọng đổi mới, đa dạng hình thức sinh hoạt, tập hợp hội viên. Các phong trào thi đua, hoạt động hỗ trợ được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, gắn liền với sản xuất, đời sống của hội viên. Nhờ đó, hội viên ngày càng tin tưởng, tích cực tham gia tổ chức Hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hội thi Liên hoan văn nghệ quần chúng "Tiếng hát người nông dân" lần đầu tiên được Hội Nông dân thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) tổ chức.

Hội thi Liên hoan văn nghệ quần chúng "Tiếng hát người nông dân" lần đầu tiên được Hội Nông dân thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) tổ chức.

Ông Lâm Văn Nghĩa, Chủ tịch HND thị trấn Sông Cầu, cho biết: Công tác phát triển hội viên là một trong những nhiệm vụ được HND thị trấn đặc biệt quan tâm thực hiện trong mỗi nhiệm kỳ. Để thu hút hội viên tham gia tổ chức hội, hàng năm, Ban Thường vụ HND xã xây dựng chương trình công tác, giao chỉ tiêu thi đua về các chi hội; phân công thành viên dự sinh hoạt cùng các chi hội để tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hội viên; đảm nhiệm các công trình phần việc có ý nghĩa dân sinh, xây dựng đô thị văn minh; tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục - thể thao giữa các chi hội; thành lập các tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân...

Mới đây, để chào mừng 94 năm Ngày thành lập HND Việt Nam, HND thị trấn Sông Cầu đã tổ chức Liên hoan văn nghệ quần chúng “Tiếng hát người nông dân”. Hoạt động này lần đầu tiên được tổ chức trong HND các cấp không chỉ trên địa bàn huyện Đồng Hỷ mà trên toàn tỉnh. Liên hoan là sân chơi bổ ích, thu hút hàng trăm hội viên nông dân và người dân tham gia với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc.

Qua đó tạo sự giao lưu, chia sẻ, gắn kết giữa các hội viên trong thị trấn, tạo động lực để nông dân tích cực sản xuất, kinh doanh, tham gia công tác hội và phong trào nông dân. Cùng với liên hoan văn nghệ, năm 2024 ghi dấu nhiều hoạt động nổi bật của HND thị trấn như: Vận động cán bộ, hội viên và người dân xây dựng tuyến đường thắp sáng làng quê dài 13km; ra mắt mô hình “Nông dân với pháp luật”, với 45 thành viên; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao...

HND thị trấn luôn xác định, muốn nông dân tích cực tham gia tổ chức hội thì cần làm tốt công tác hỗ trợ, nâng cao đời sống kinh tế cho nông dân. Do vậy, với đặc thù, chè là cây trồng chủ đạo mang lại nguồn thu chính cho hội viên, HND thị trấn đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao giá trị, thương hiệu chè Sông Cầu.

Theo đó, Hội đã tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật chăm sóc, chế biến chè; vận động, hỗ trợ người dân thành lập, tham gia các HTX, tổ hợp tác, làng nghề chè truyền thống, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đăng ký tuân thủ các nhãn hiệu tập thể chè; tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất chè an toàn, VietGAP, chuyển dần sang canh tác chè hữu cơ, triển khai các mô hình ô mẫu phân bón, hỗ trợ phân bón hữu cơ theo hình thức trả chậm.

HTX chè Thịnh An ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đang liên kết với 70 thành viên để tạo vùng nguyên liệu rộng 150ha, mỗi năm xuất bán ra thị trường 150 tấn chè búp khô. Ảnh: T.L

HTX chè Thịnh An ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đang liên kết với 70 thành viên để tạo vùng nguyên liệu rộng 150ha, mỗi năm xuất bán ra thị trường 150 tấn chè búp khô. Ảnh: T.L

Từ đầu năm đến nay, HND thị trấn đã phối hợp tổ chức 12 lớp tập huấn cho trên 800 lượt hội viên, người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc chè, cấy lúa giống mới. Để hỗ trợ nông dân có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, HND thị trấn đã phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn. Hiện, có 134 hộ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 7,1 tỷ đồng; 14 hộ vay vốn Ngân hàng Bưu điện, với dư nợ trên 600 triệu đồng.

Đến nay, thị trấn Sông Cầu có 2 HTX do nông dân làm chủ đã liên kết với hàng chục nông dân, có các sản phẩm đạt OCOP là HTX chè Thịnh An, HTX Tân Hoàng trà; 3 mô hình tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ ở tổ 2, 4, 5. Toàn thị trấn có 135ha chè, thì có 50ha chè an toàn, 20ha chè được cấp chứng nhận VietGAP; gần 20ha chè hữu cơ. Đặc biệt sau nhiều nỗ lực vận động, hoàn thiện hồ sơ, đến nay, nhãn hiệu tập thể “Chè Sông Cầu” do HND thị trấn làm chủ sở hữu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận.

Còn với nông dân làm chè, giá trị sản phẩm và đời sống cũng thay đổi nhiều. Bà Nguyễn Thị Vân, thành viên của HTX chè Thịnh An, chia sẻ. Gia đình tôi có hơn 3.000m2, toàn bộ được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, mỗi lứa thu được trên 2 tạ chè búp khô. Thay vì bán trôi nổi, giá bấp bênh như trước, giờ tôi được HTX bao tiêu đầu ra, giá từ 250-300 nghìn đồng/kg (cao hơn 100-150 nghìn đồng so với trước).

Những hỗ trợ trên đã tạo động lực cho nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần đưa các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân ngày càng đi vào chiều sâu. Từ đầu năm đến nay, Hội đã vận động xây dựng quỹ hội đạt gần 250 triệu đồng. Số tiền này dành cho 53 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn. Hàng năm, có trên 500 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi và có hàng chục hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Công tác phát triển hội viên luôn đạt và vượt so với kế hoạch. Tổng số hội viên trong toàn thị trấn đến nay là 720 người, đạt tỷ lệ thu hút hội viên là 106% so với hộ làm nông nghiệp...

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202410/nang-quyen-loi-tang-trach-nhiem-cho-hoi-vien-nong-dan-73b06d8/