Năng suất của TSMC tại Mỹ vượt Đài Loan

Nhà máy sản xuất TSMC Arizona đạt năng suất cao hơn 4% so với các cơ sở tại Đài Loan, một tín hiệu đáng mừng cho TSMC sau những khó khăn ban đầu do xung đột với công nhân…

Năng suất sản xuất chip Arizona của TSMC vượt qua Đài Loan dưới nỗ lực thúc đẩy của Mỹ - Ảnh: Bloomberg.

Năng suất sản xuất chip Arizona của TSMC vượt qua Đài Loan dưới nỗ lực thúc đẩy của Mỹ - Ảnh: Bloomberg.

Tại một hội thảo trực tuyến mới đây, Chủ tịch TSMC tại Mỹ, ông Rick Cassidy, cho biết nhà máy sản xuất Phoenix tại Arizona của TSMC đạt năng suất cao hơn 4% so với các cơ sở sản xuất Đài Loan. Tỷ lệ thành công hay năng suất là thước đo quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn để xác định tiềm năng cho trả chi phí khổng lồ của một nhà máy chip.

MỘT KHỞI ĐẦU KHÓ KHĂN VỚI TSMC TẠI ARIZONE

Thông tin mà Chủ tịch TSMC tại Mỹ được đưa ra sau khi Bloomberg báo cáo các hoạt động thử nghiệm tại nhà máy Arizona tạo ra sản lượng tương đương các nhà máy ở Đài Loan. Theo Bloomberg, đây cũng là tín hiệu quan trọng không chỉ đối với TSMC – một trong những công ty được hỗ trợ bởi Đạo luật CHIPS mà còn quan trọng đối với Chính phủ Mỹ. Dự kiến, công ty bán dẫn Đài Loan sẽ nhận được 6,6 tỷ USD tiền tài trợ và 5 tỷ USD cho vay cộng với 25% tín dụng thuế để xây dựng ba cơ sở chế tạo ở Arizona.

TSMC ban đầu đã có một khởi đầu khó khăn khi thành lập các cơ sở tại Arizona vì không có đủ nhân viên lành nghề để lắp đặt thiết bị tiên tiến và các vấn đề khác liên quan đến an toàn lao động và mâu thuẫn quản lý. Phải đến cuối năm ngoái, TSMC mới đạt được thỏa thuận với các công đoàn lao động.

Nhà sản xuất chip ban đầu lên kế hoạch bắt đầu sản xuất hoàn toàn tại nhà máy đầu tiên ở Arizona từ năm 2024, nhưng đã lùi mục tiêu đến năm 2025 vì các vấn đề lao động. Sau đó, công ty trì hoãn ngày bắt đầu cho nhà máy thứ hai đến năm 2027 hoặc 2028, từ mục tiêu ban đầu là năm 2026. Khi đó đã làm dấy lên lo ngại rằng công ty có thể không thể sản xuất chip ở Mỹ hiệu quả như ở Đài Loan.

TSMC CÓ KHẢ NĂNG SẼ ĐƯỢC ĐẦU TƯ THÊM TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐẠO LUẬT CHIPS THỨ HAI

Theo nhiều nguồn tin, con chip A16 Bionic của Apple hiện đang được sản xuất tại Arizona. Một số nhà phân tích dự đoán rằng khả năng sản xuất ở nước ngoài của TSMC có thể chỉ chiếm khoảng 10% công suất sản xuất toàn cầu của công ty.

Tuy nhiên, đây cũng đã là một thành tựu đối với Mỹ, đặc biệt là Chính phủ nước này đang nỗ lực đưa hoạt động sản xuất chất bán dẫn trở lại trong biên giới của mình như một biện pháp bảo vệ chuỗi cung ứng chip khỏi sự bất ổn trong khu vực.

CEO của TSMC là C.C. Wei cho biết nhà máy đầu tiên tại Arizona đã bắt đầu sản xuất wafer chip 4nm và kết quả "rất khả quan, với năng suất rất tốt". Điều này sẽ khiến công ty tiếp tục trở thành ứng cử viên sáng giá nếu Nhà Trắng thực hiện chương trình đầu tư Đạo luật CHIPS thứ hai để mở rộng hơn nữa năng lực sản xuất chất bán dẫn của mình.

“Chúng tôi tự tin những sản phẩm được sản xuất tại nhà máy ở Arizona xuất xưởng vào đầu năm 2025 sẽ đạt chất lượng như tại Đài Loan”, CEO của TSMC nói. Cổ phiếu của TSMC đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng này sau khi nhà sản xuất chip ước tính hàng quý và nâng mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2024.

TSMC có kế hoạch thành lập ba nhà máy ở Arizona, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vào nửa đầu năm 2025, 2028 và giữa năm 2029 và 2030. Công ty có kế hoạch đầu tư 65 tỷ USD vào ba nhà máy và đã đầu tư 7,5 tỷ đô la Mỹ vào dự án Arizona chỉ riêng trong năm 2024.

Hai nhà sản xuất chip khác cũng thuộc chiến lược công nghệ của Chính phủ Mỹ, bao gồm Intel và Samsung đã gặp khó khăn trong những tháng gần đây. Nhất là Intel - công ty được là được hưởng nhiều ưu ái nhất từ của Đạo luật CHIPS, đang chịu áp lực tài chính nghiêm trọng đến mức trì hoãn các dự án toàn cầu và xem xét việc bán tài sản và phân chia hoạt động.

Ngô Huyền

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nang-suat-cua-tsmc-tai-my-vuot-dai-loan.htm