Nặng tâm can nhưng ấm áp con tim

Những gương mặt phờ phạc, hốc hác, những đôi mắt đờ đẫn vì thức đêm triền miên và làm việc nhiều với máy tính, đó là hình ảnh hậu trường của sáu chàng trai của Team Lee - nhóm các bạn trẻ dành nhiều tâm huyết phục dựng miễn phí gần 200 ảnh liệt sĩ, và gần đây nhất là ảnh của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc.

Trong căn phòng nhỏ tại khu chung ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đèn thắp sáng cả đêm, cả nhóm dồn sức để làm nên những bức hình liệt sĩ sắc nét, trọn vẹn, mang nét trẻ trung đầy chất lính. Với họ, đó là công việc mỏi mắt, nặng tâm can nhưng ấm áp con tim.

Đêm trắng

Gương mặt mười nữ thanh niên xung phong đã hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc mờ nhòe theo thời gian trong mười bức ảnh đen trắng, nay đã được nhóm các chàng trai trẻ gấp rút phục dựng. Những gương mặt thanh xuân hồn hậu, tươi trẻ của các cô gái trong những bức ảnh màu gợi nhớ kí ức về tháng ngày chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng. Những ngày thu tháng tám, cả nhóm đã có cuộc hành trình vào Hà Tĩnh, trao tặng chính quyền địa phương và Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc những bức ảnh quý giá. "Chúng tôi mong mỏi họ sẽ có những bức ảnh đẹp nhất, họ mãi là "mười cô tiên Đồng Lộc" trong lòng người dân cả nước hôm nay và mai sau", Phùng Quang Trung - một thành viên trong nhóm nói những lời xúc động.

Nhóm các chàng trai đã phục dựng và mang ảnh mười cô gái ngã ba Đồng Lộc vào Hà Tĩnh.

Nhóm các chàng trai đã phục dựng và mang ảnh mười cô gái ngã ba Đồng Lộc vào Hà Tĩnh.

"Sau khoảng thời gian quên ăn quên ngủ phục dựng những gương mặt liệt sĩ đã mờ nhòe theo thời gian, nhiều người trong nhóm tôi sụt cân. Đến bây giờ mới thấy thấm mệt, cơn buồn ngủ ập đến bất cứ lúc nào. Nhưng chúng tôi thấy lòng thanh thản vì đã vén được màn sương thời gian phủ mờ hình ảnh các liệt sĩ trong kí ức của những người đang sống hôm nay". Đó là những lời chân thành của trưởng nhóm Lê Quyết Thắng, người luôn giữ lửa cho cả nhóm trong suốt hành trình bền bỉ và ý nghĩa.

Nhóm có sáu người, ngoài Lê Quyết Thắng, còn có Phùng Quang Trung, Nguyễn Quốc Anh, Đặng Sĩ Điều, Nguyễn Văn Long và Ngô Trung Bằng, đều là những chàng trai 8X - 9X. Làm nhiều công việc khác nhau, nhưng họ đều có chung niềm đam mê chỉnh sửa ảnh. Có gặp và trò chuyện cùng họ, mới thấy họ nói ít, làm nhiều, cần mẫn và đặc biệt là dễ xúc động.

Công việc phục dựng ảnh liệt sĩ đến với họ rất tình cờ. Vào dịp lễ 30-4, Thắng nhận được một tin nhắn đặc biệt, nhờ phục dựng di ảnh duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Văn Toán ở Hà Nội, hi sinh khi mới 25 tuổi tại chiến trường phía Nam. Lời đề nghị khiến Thắng ngỡ ngàng. Bởi trước đó, anh đã chỉnh sửa và ghép rất nhiều ảnh đoàn viên, nhưng chưa bao giờ phục dựng ảnh liệt sĩ. Ngay lập tức, anh phản hồi tin nhắn, xác minh thông tin và tiếp nhận tấm ảnh đen trắng được vẽ phác bằng chì đã hư hỏng nặng, nét mặt đã nhòe mờ. Đêm ấy, Thắng tập trung chỉnh sửa mà không hề để ý kim đồng hồ đã lướt qua 8 tiếng, từ 20 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Rồi Thắng gấp rút in ảnh, đóng khung để tặng gia đình liệt sĩ.

Chứng kiến những giọt nước mắt người thân nhỏ xuống bức ảnh thiêng liêng, Thắng biết mình vừa làm một việc đầy ý nghĩa. Câu chuyện về bức ảnh của liệt sĩ Nguyễn Văn Toán được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều gia đình liệt sĩ trong cả nước liên lạc với Thắng nhờ giúp đỡ. Lại một lần nữa chàng trai trẻ ngỡ ngàng, bởi có quá nhiều lời đề nghị, đồng nghĩa với việc có rất nhiều liệt sĩ ngã xuống, mà đến nay một bức ảnh thờ vẫn chưa trọn vẹn. Nỗi day dứt ấy ngày một lớn, Thắng quyết định lập nhóm để phục dựng ảnh liệt sĩ miễn phí gửi tặng các gia đình. Ngay lập tức, có thêm 5 người bạn đồng hành cùng Thắng.

Hình ảnh nữ thanh niên xung phong Võ Thị Tần được nhóm phục dựng lại (ảnh phải).

Hình ảnh nữ thanh niên xung phong Võ Thị Tần được nhóm phục dựng lại (ảnh phải).

Công việc cuốn họ hết đêm này sang đêm khác, một giấc ngủ trọn vẹn dường như xa vời. Dựa vào những tấm ảnh đen trắng mờ nhòe, nhỏ bé, rách nát, có tấm dán băng dính chằng chịt, cùng những thông tin ít ỏi về liệt sĩ mà gia đình cung cấp, nhóm chia nhau phục dựng, thận trọng chỉnh sửa từng bước, bám sát đường nét từ ảnh gốc. Những bức ảnh qua quá trình chỉnh sửa có tâm và có nghề bỗng trở nên sắc nét và thần thái, để khi người nhà nhận bức ảnh phải thốt lên: "Sao có thể giống thế, có hồn đến thế!".

Trong nhóm chỉnh sửa ảnh, Phùng Quang Trung có lẽ là người vất vả nhất. Bởi hơn một tháng trời rời gia đình ở Hải Dương lên Hà Nội làm công việc đặc biệt này, không biết bao lần anh tất bật đi về. Ban ngày, Trung cố gắng hoàn thành công việc, để đêm đến sẽ toàn tâm toàn ý cho việc sửa ảnh liệt sĩ. Cả tháng không ăn cùng vợ một bữa cơm, không ngủ cùng con một đêm, tuy cuộc sống bị xáo trộn, nhưng gia đình hiểu rằng Trung đang làm việc nên làm.

Những đêm hè oi nồng, sáu chàng trai trẻ miệt mài trong phòng làm việc. Họ đã bỏ lại ngày hè rộn rã, những cuộc gặp gỡ bạn bè, những chuyến đi chơi để cần mẫn phục dựng nhiều gương mặt liệt sĩ mà họ vừa biết mặt, biết tên. Lòng kính trọng và biết ơn những liệt sĩ đã ngã xuống khi tuổi đời chỉ trạc tuổi họ hôm nay, cùng nỗi mong chờ, nhớ thương mòn mỏi của người thân liệt sĩ đã tạo động lực thôi thúc nhóm quyết tâm làm việc hết mình. Mỗi khi hoàn thành xong một bức hình, họ in ảnh, đóng khung trang trọng rồi cất công đến tận gia đình liệt sĩ trao tặng.

"Một ngày tháng 7, tôi nhận được thông tin của gia đình người dân tộc Nùng ở Lạng Sơn. Nhà họ có hai anh em Hoàng Khắc Mẫn và Hoàng Văn Mèo đều là liệt sĩ. Thật xót xa khi một người giờ vẫn chưa tìm thấy mộ, còn một người nằm tại nghĩa trang tập thể ở An Giang. Kí ức về các liệt sĩ chỉ đọng lại ở hai tờ giấy báo tử gửi về từ chiến trường và hai tấm hình đen trắng mờ nhòe. Người cha trước khi nhắm mắt vẫn luôn đau đáu về hai bức ảnh thờ chỉn chu cho các con. Không chần chừ, tôi nhận lời phục dựng ảnh" - Nguyễn Quốc Anh, thành viên của nhóm nhớ lại. Ngày hai bức ảnh hoàn thành, gia đình liệt sĩ đã cất công từ Lạng Sơn xuống Hà Nội gặp mặt cả nhóm. Người em út thay mặt gia đình nhận ảnh đã khóc nức nở hồi lâu. Khi hai anh nhập ngũ, người em mới 10 tuổi. Giờ đây, đằng đẵng sau bao nhiêu năm, khi đã ở tuổi 60 ông mới tường mặt các anh mình.

"Chúng tôi muốn phục dựng được thật nhiều ảnh để đền đáp công ơn. Nhưng thật buồn và bức xúc khi có những cá nhân đã mạo danh nhóm để trục lợi, gây mất niềm tin và làm phiền lòng các gia đình liệt sĩ. Một chút đền đáp công ơn lại thành chuyện không hay. Chúng tôi thấy áy náy và thấy có lỗi với người đã khuất" - trưởng nhóm Lê Quyết Thắng trở nên trầm buồn chia sẻ chuyện bên lề.

Đoàn viên chỉ ở tấm hình

Khi mà cuộc đoàn viên chỉ có thể tồn tại trên những tấm hình, thì có nghĩa điều đó sẽ mãi không bao giờ có được ngoài đời thực. Những chàng trai này đã và đang làm một công việc vô cùng lạ biệt, đó là phục dựng và ghép ảnh của người đã mất để tạo nên bức ảnh đoàn viên.

Gương mặt người đã khuất luôn ám ảnh tâm trí và nhiều khi theo cả vào trong giấc mơ của những chàng trai trẻ lúc đêm về. Chỉ mới đây thôi, Trung nhận được một tin nhắn của một cô gái, nhờ ghép giúp cho chị của cô ấy một tấm ảnh gia đình. Chồng chị đã mất khi làm nhiệm vụ, hy sinh trong thời bình. Không do dự, Trung đồng ý. Khi nhận được ảnh, anh lập tức nhận ra hình ảnh của liệt sĩ Phạm Công Huy, sinh năm 1993, nguyên cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an Thành phố Hà Nội đã hy sinh dũng cảm trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào tháng 1-2020. Anh Huy hy sinh khi bé Bún con gái anh mới được 6 tháng tuổi. Bây giờ bé đã được 3 tuổi, chị Như Quỳnh - vợ anh rất muốn có một tấm ảnh ghép vợ chồng chị và con gái, để bé hình dung về cha và gia đình.

"Trong rất nhiều tấm ảnh chụp anh Huy, tấm ảnh chị Quỳnh yêu thích nhất lại là tấm ảnh chụp gương mặt anh khá mờ. Tôi phải tập trung dựng lại gương mặt anh Huy và làm nét lên, sau đó mới ghép ảnh. Tình yêu, lòng thương nhớ mà chị Quỳnh dành cho anh Huy, niềm kính phục và biết ơn trước sự hy sinh anh dũng của anh đã khiến vợ chồng tôi vô cùng xúc động, thức cả đêm để có bức ảnh đẹp nhất. Trong bức ảnh, anh Huy mặc quân phục công an, gương mặt ngời sáng, bên cạnh là chị Quỳnh mặc áo dài đỏ duyên dáng. Bé Bún xinh xắn được bố Huy bế trong lòng. Ảnh được gửi cho chị Quỳnh, chị ấy đã thốt lên rằng, lâu lắm chị mới thấy mặt chồng chị rõ thế. Chị còn gửi ảnh bé Bún ôm lấy bức ảnh khổ lớn và reo lên "Mẹ ơi, bố bế con này" - Trung chia sẻ. Một ngày tháng 6-2022, nhóm đã mang bức ảnh tới tận nhà liệt sĩ Huy để trao cho gia đình anh như một lời tri ân sâu sắc.

Làm nghề đặc biệt này, họ đã thấu tỏ những lát cắt đau thương và khốc liệt của cuộc sống. Cách đây vài tuần, một người mẹ nhắn tin cho Thắng chia sẻ rằng con chị đã lìa bỏ cuộc sống sau vài ngày sinh ra. Vì quá yếu ớt và bị bệnh bẩm sinh mà đứa bé đã mất ngay trên tay chị, khi mắt chưa kịp mở để nhìn mẹ, khi trên mặt con vẫn còn đeo ống thở. Người mẹ chỉ kịp lấy điện thoại để chụp vội lại hình hài đó. Và rồi chị gửi đến Thắng lời nhắn như van lơn: "Hãy giúp tôi có được một tấm ảnh thờ con". Giữa đêm, Thắng đọc tin nhắn, trở dậy bật máy tính làm luôn. Gần sáng, tấm ảnh một gương mặt bé thơ hồng hào, xinh xắn với đôi mắt mở to trong veo đã hoàn thành, gửi lại cho người mẹ. "Thật kì diệu, hôm nay đúng sinh nhật của bé. Cảm ơn anh đã lưu dấu hình hài con trong giây phút ngắn ngủi con đến với thế giới này", người mẹ nhắn lại. Bất giác, nước mắt lăn dài trên gương mặt Thắng, khi một đêm thức trắng của anh đã làm nên điều ý nghĩa trong cuộc đời này…

Huyền Châm

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nang-tam-can-nhung-am-ap-con-tim--i665335/