Nâng tầm đội ngũ giáo viên để xứng với trường trọng điểm

Những năm gần đây, Trường Quân sự Quân khu 3 đã nỗ lực, tiến bộ về mọi mặt, nhất là chất lượng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) và nghiên cứu khoa học (NCKH) trở thành 1 trong 8 trường trọng điểm của quân đội. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), chúng tôi có cuộc trao đổi với Đại tá Trịnh Văn Ngọ, Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 3 về công tác GD-ĐT của nhà trường.

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả và giải pháp chủ yếu của nhà trường trong xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ?

Đại tá Trịnh Văn Ngọ: Trường Quân sự Quân khu 3 được Bộ Quốc phòng (BQP) xác định là 1 trong 8 trường trọng điểm toàn quân về công tác GD-ĐT, bổ túc, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (QPAN) cho BQP và LLVT quân khu.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đặt lên hàng đầu việc nâng cao chất lượng, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Cùng với việc đề nghị quân khu bổ sung nguồn cán bộ, giáo viên, chúng tôi chủ động tạo nguồn tại chỗ thông qua phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển năng lực toàn diện cho đội ngũ giáo viên. Nhà trường chú trọng bồi dưỡng, tập huấn, cử cán bộ, giáo viên thực tế, đi đào tạo. Giai đoạn 2011-2020, nhà trường tổ chức được hơn 60 lớp tập huấn chung, tập huấn chuyên sâu, chuyên ngành cho cán bộ, giáo viên. Nội dung tập huấn tập trung vào những vấn đề mới; phương pháp sư phạm, kinh nghiệm giảng dạy và những nội dung còn yếu theo phương châm “yếu khâu nào, bồi dưỡng khâu đó”. Nhà trường đã cử 139 lượt giáo viên tham gia tập huấn chuyên ngành do cấp trên tổ chức; 61 đồng chí cán bộ, giáo viên đi thực tế tại các đơn vị trong LLVT quân khu để tích lũy kinh nghiệm; 251 đồng chí đi học tập tại các học viện, nhà trường trong quân đội.

Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng tổ chức hội thi giáo viên, cán bộ quản lý, huấn luyện giỏi ở hai cấp, cấp cơ sở và cấp trường. Từ năm 2016 đến nay, nhà trường có 359 lượt đồng chí đủ tiêu chuẩn giáo viên, cán bộ quản lý, huấn luyện giỏi cấp quân khu; 11 đồng chí đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp BQP. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên có trình độ đại học và sau đại học đạt hơn 93,2%, trong đó trình độ thạc sĩ, tiến sĩ hơn 32%.

 Đại tá Trịnh Văn Ngọ (ngoài cùng, bên trái) kiểm tra học viên đào tạo khẩu đội trưởng thực hành huấn luyện bắn cối 100mm. Ảnh: VĂN NAM

Đại tá Trịnh Văn Ngọ (ngoài cùng, bên trái) kiểm tra học viên đào tạo khẩu đội trưởng thực hành huấn luyện bắn cối 100mm. Ảnh: VĂN NAM

PV: Cùng với chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, việc đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy học của nhà trường được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Trịnh Văn Ngọ: Những năm gần đây, Trường Quân sự Quân khu 3 đã thường xuyên đổi mới, cập nhật, bổ sung nội dung, chương trình đào tạo cho các đối tượng học viên. Cán bộ, giáo viên tích cực khắc phục khó khăn, tổ chức huấn luyện sát từng đối tượng, kết hợp chặt chẽ giữa giáo viên với cán bộ quản lý duy trì học viên ôn luyện; gắn kết giữa đào tạo theo chức vụ với trình độ học vấn ở các cấp học, bảo đảm tính kế thừa, liên thông giữa các trình độ đào tạo không bị trùng lặp. Việc tổ chức rèn luyện học tập ngoại khóa cho các đối tượng đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng ngành quân sự cơ sở và cao đẳng quân sự địa phương được thực hiện theo đúng chương trình huấn luyện. Cuối các khóa học, nhà trường tổ chức diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp để nâng cao trình độ cho học viên. Thời gian diễn tập mỗi khóa học từ 7 đến 10 ngày. Học viên tốt nghiệp ra trường vận dụng tốt kiến thức được học tập vào xây dựng, huấn luyện tại các đơn vị; đảm nhiệm tốt các cương vị, chức trách được giao...

PV: Thưa đồng chí, kết quả NCKH đã góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT của nhà trường như thế nào?

Đại tá Trịnh Văn Ngọ: Nhận thức tầm quan trọng của công tác NCKH phục vụ giảng dạy, học tập, huấn luyện, hằng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ NCKH cho các cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị, đưa hoạt động NCKH thành nền nếp, có chiều sâu, động viên được cán bộ, giáo viên tích cực tham gia. Từ năm 2016 đến nay, nhà trường nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung 92 chương trình đào tạo chi tiết, theo hướng giảm lý thuyết, tăng thời gian thực hành, bảo đảm tỷ lệ khối lượng kiến thức và tính liên thông giữa các chương trình đào tạo, sát với yêu cầu thực tế huấn luyện ở cơ sở.

Hội đồng khoa học cấp BQP, quân khu và nhà trường đã nghiệm thu, đánh giá gần 300 đề tài, sáng kiến, tài liệu, giáo trình, chuyên đề; trong đó có 56 sáng kiến, tài liệu, giáo trình cấp BQP; 15 đề tài, sáng kiến cấp quân khu; 215 đề tài, sáng kiến, tài liệu, giáo trình, chuyên đề cấp cơ sở. Các đề tài NCKH, sáng kiến sau khi được nghiệm thu đều được áp dụng có hiệu quả cao trong công tác huấn luyện, GD-ĐT. Đến nay, hệ thống giảng đường, phòng học phổ thông, phòng học chuyên dùng đều được trang bị máy chiếu và hệ thống camera theo dõi kết nối với mạng LAN của nhà trường; 100% bài giảng của giáo viên được biên soạn trên máy tính và ứng dụng các phần mềm hỗ trợ tương tác thông minh Bignote I-Pro vào trong quá trình giảng dạy...

Những kết quả trên đã góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, khẳng định vị trí, vai trò của một nhà trường trọng điểm.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGÔ DUY ĐÔNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nang-tam-doi-ngu-giao-vien-de-xung-voi-truong-trong-diem-644211