Nâng tầm giá trị nông sản Bình Sơn

Thời gian qua, huyện Bình Sơn đã không ngừng nỗ lực xây dựng nhãn hiệu, nâng cao chất lượng của nông sản. Nhờ vậy, nhiều nông sản sạch trên địa bàn huyện ngày càng khẳng định được giá trị trên thị trường.

Người trồng dưa hấu ở xã Bình Thanh (Bình Sơn) phấn khởi khi dưa hấu của địa phương vừa được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc.

Người trồng dưa hấu ở xã Bình Thanh (Bình Sơn) chăm sóc dưa hấu vụ hè thu.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Thanh Tây Nguyễn Hữu Bình cho biết: Sau khi nhận mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, HTX Nông nghiệp Bình Thanh Tây sẽ tiến hành liên kết với người nông dân để thu mua, cung cấp dưa hấu cho thị trường uy tín như siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trên cả nước. Diện tích trồng dưa hấu vụ đông xuân ở địa phương khoảng 80ha, vụ hè thu khoảng 40ha.

Năng suất bình quân mỗi vụ đạt từ 280 - 350 tạ/ha. Vừa qua, các siêu thị ở Hà Nội vào thị sát để ký hợp đồng thu mua dưa hấu của nông dân. Đây là tín hiệu vui khi dưa hấu sạch địa phương có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc.

Là người trồng dưa hấu lâu năm, bà Trương Thị Thu (60 tuổi) ở thôn An Quang bày tỏ: “Đất ở xã Bình Thanh rất thích hợp trồng dưa hấu. Mỗi vụ, tôi trồng khoảng 1.000m², cho năng suất 6,5 tấn/vụ. Khi dưa hấu địa phương đã có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sẽ tìm được thị trường tốt để cung ứng với giá ổn định”.

Mới đây, hành tím ở xã Bình Hải cũng được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Hải Nguyễn Công Khanh, thời gian qua, địa phương phối hợp với Công ty Chất lượng Việt vận động 90 hộ dân trồng hành tím tham gia chương trình nông sản sạch VietGAP, với diện tích 20ha. Các hộ dân được phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo quy trình sạch, bón phân hữu cơ. Sản phẩm sẽ được HTX thu mua.

Hành tím Bình Hải (Bình Sơn) được dán logo mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh sản phẩm hành tươi, HTX sẽ chế biến hành tím sấy khô, hành muối chua, hành hút chân không để cung ứng cho thị trường. Việc có mã vạch, mã số, tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, qua đó khẳng định chất lượng của hành tím Bình Hải trên thị trường.

Ngoài ra, các loại nông sản như kiệu Bình Long, dầu phụng Vạn Tường (Bình Hải), ớt Bình Dương cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy công nhận nhãn hiệu tập thể. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn Phạm Hồng Nguyên cho biết: Huyện đã triển khai các giải pháp để phát triển nông sản sạch, nhằm hướng đến thị trường uy tín, chất lượng. Thời gian tới, huyện sẽ đầu tư cho các nông sản như nén Bình Phú, nghệ vàng Bình Châu, nước mắm Bình Đông, kiệu Bình Long để được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng xét duyệt cấp giấy chứng nhận mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng tầm giá trị, xây dựng uy tín, chất lượng nông sản Bình Sơn.

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202006/nang-tam-gia-tri-nong-san-binh-son-3008621/