Nâng trường đại học thành đại học cho oai, hay để nhận trọng trách lớn hơn?
Hiện nay nhiều trường đại học đang dự kiến thời gian hướng tới trở thành 'đại học', đa ngành, đa lĩnh vực trong 3- 5 năm nữa khi thực hiện tự chủ toàn diện.
Liên quan đến vấn đề này, câu hỏi đặt ra là làm sao để có được các đại học đa lĩnh vực đích thực. Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thông tin:
Trước năm 1993 (chí ít là từ sau năm 1975), ở Việt Nam không có các đại học đa lĩnh vực. Tất cả các cơ sở giáo dục đại học lúc đó đều phục vụ cho nhu cầu nhân lực của một nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đều được xây dựng theo mô hình của Liên Xô cũ, tức là đều là các trường đại học chuyên ngành.
Đại học đa lĩnh vực thành công trên thế giới, nhưng sao gặp "sự cố" ở ta?
Tuy nhiên từ nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Ban chấp hành Trung ương Khóa 7 (1993) đã ban hành Nghị quyết 4 về việc xây dựng các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm. Các đại học này đều được hình thành chủ yếu bằng cách gom và tổ chức lại các cơ sở giáo dục đại học có trên cùng một địa bàn. Đây là một chủ trương đúng giúp chúng ta sớm có được những cơ sở giáo dục đại học mạnh, đa năng.
Theo tinh thần đó, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết: “Tại Tờ trình Hội đồng Bộ trưởng số 1315/ĐH ngày 17/3/1992 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ đại học đa lĩnh vực “không phải là một cơ quan quản lý trung gian mà thực chất là một đơn vị đào tạo thật sự quan trọng được lập ra trên cơ sở hợp nhất hàng loạt trường đại học và viện nghiên cứu khoa học để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống, bảo đảm hiệu suất đào tạo cao, thích ứng với một xã hội có nền kinh tế thị trường””.
Và trong 2 năm 1993 và 1994, lần lượt 5 đại học đa lĩnh vực đã được thành lập, dựa trên nguyên tắc gom một số cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành có trên cùng một địa bàn lại với nhau.
Hiện tại 5 đại học này đều hoạt động theo các quy chế riêng do Thủ tướng Chính phủ (đối với 2 đại học quốc gia) hoặc do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với 3 đại học vùng) ký ban hành.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết, khi thành lập các đại học đa lĩnh vực, xã hội mong chờ ở những ưu việt mà kiểu trường này sẽ bộc lộ ra như: bộ máy tổ chức gọn nhẹ (không có sự trùng lặp các khoa, bộ môn ở những trường thành viên khác nhau), ngân sách được đầu tư tập trung, sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau trong một đại học, sinh viên được học với những giảng viên giỏi nhất ở tất cả các môn học, dễ dàng mở ra các chương trình liên ngành (Inter-disciplinary)...
Tuy nhiên đã hơn 20 năm qua đi nhưng các đại học của chúng ta được hình thành từ các năm 1993, 1994 vẫn chưa thực sự “mạnh” do các đại học đa lĩnh vực của ta ngay từ lúc thành lập đã có xu hướng tồn tại dưới dạng một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành”, trong khi đáng lẽ đại học đa lĩnh vực phải là một chỉnh thể thống nhất.
Vì các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên đại học không có được sức mạnh tổng hợp. Bởi về mặt pháp lý các trường đại học thành viên đã được nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập làm cho hoạt động của các đại học đa lĩnh vực trở nên rời rạc và vô hiệu hóa các đại học đa lĩnh vực.
Thậm chí có ý kiến cho rằng ở các đại học này tầng trên “đại học” là thừa, gây cản trở đến hoạt động của các “trường đại học thành viên” dẫn đến chuyện nhiều trường muốn li khai ra khỏi đại học.
Chính vì vậy, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khuyến cáo: “Chỉ nên nâng lên thành đại học khi phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống để đón nhận những trọng trách quan trọng hơn thích ứng với một xã hội có nền kinh tế thị trường chứ đừng chạy theo mốt”.