NASA tiết lộ sự sống ngoài hành tinh có thể ẩn nấp dưới bề mặt băng cổ đại của Sao Hỏa

Các nhà khoa học của NASA cho rằng, các khối băng cổ đại trên sao Hỏa có thể hoạt động như một lá chắn, ngăn chặn bức xạ chết người của vũ trụ để bảo vệ sự sống.

Chia sẻ với tờ Daily Mail (Anh), tiến sĩ Aditya Khuller - tác giả chính của nghiên cứu đã khẳng định rằng, chìa khóa để có thể phát triển sự sống dưới các bề mặt băng cổ đại của sao Hỏa là những vũng nước được hình thành từ lớp tuyết bụi.

Để có thể đưa ra kết luận này, các nhà khoa học đã sử dụng mô phỏng máy tính và phát hiện ra rằng, lớp tuyết bụi bên dưới có thể tan chảy và hình thành những vũng nước lỏng. Trong khi đó, bề mặt băng cổ đại có khả năng ngăn cản bức xạ nhưng vẫn cho ánh sáng xuyên qua để kích hoạt quá trình quang hợp tương tự như trên Trái Đất, nơi có vô vàn sự sống.

“Đây được gọi là lỗ cryoconite và nó được hình thành khi bụi cùng trầm tích trên bề mặt băng tan chảy ngược vào trong lòng băng. Chúng tối hơn màu băng nên có khả năng hấp thụ ánh sáng mặt trời nhiều hơn. Nếu chúng ta đang cố gắng tìm ra sự sống ngoài vũ trụ ngày nay thì các lớp băng hở của sao Hỏa có lẽ là một trong những nơi dễ tiếp cận nhất để chúng ta nghiên cứu.” - tiến sĩ Khuller, người từng là nhà khoa học hành tinh tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, cho biết.

Ở trên Trái Đất, các lỗ cryoconite đã được phát hiện và nghiên cứu rất nhiều tại Nam Cực, Greenland hay quần đảo Svalbard của Na Uy, một chuỗi đảo nằm giữa bờ biển phía bắc của quốc gia Scandinavia và Bắc Cực. Trong những lỗ cryoconite này, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loạt các sinh vật nhỏ như tảo, nấm và vi khuẩn lam. Tất cả sinh vật này đều hấp thụ năng lượng mặt trời thông qua quá trình quang hợp để tồn tại.

“Trên Trái Đất, các sinh vật thường ngủ đông khi không đủ ánh sáng mặt trời để tạo thành nước lỏng từ lớp băng bụi. Điều tương tự cũng xảy ra ở sao Hỏa, ngay cả khi hành tinh này cực kỳ khô cằn.

Như vậy, hai thành phần chính phục vụ cho quá trình quang hợp là nước lỏng cùng ánh sáng mặt trời đều được sao Hỏa đáp ứng.” - Tiến sĩ Khuller nói thêm.

Tuy nhiên, tiến sĩ Khuller cũng khẳng định rằng, nghiên cứu này chỉ có thể chỉ ra sao Hỏa “có khả năng tồn tại sự sống” chứ không chắc chắn rằng sự sống đã có trên sao Hỏa. Bởi vì, dù có đủ yếu tố hình thành nên sự sống, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp khác trên sao Hỏa mà các nhà khoa học chưa biết tới.

Điển hình như việc bầu khí quyển của sao Hỏa quá mỏng và khô cằn có thể khiến các vũng nước mới hình thành thăng hoa, biến thành hơi nước ngay. Ngoài ra, các nhà khoa học vẫn chưa có bất kỳ mẫu vật chất chi tiết nào trên sao Hỏa để có thể nghiên cứu sâu hơn.

“Chúng tôi chưa có bất kỳ mẫu vật chất trên sao Hỏa nào để nghiên cứu chi tiết hơn. Chúng tôi muốn được tiếp cận các mẫu vật chất bên dưới lớp băng cổ đại đó vào một thời điểm nào đó, nhưng đó có thể là một nhiệm vụ được làm trong tương lai.

Vì vậy, chúng tôi không tuyên bố rằng đã tìm thấy sự sống trên sao Hỏa mà thay vào đó, chúng tôi tin rằng, các lớp băng bụi hở của sao Hỏa ở các vĩ độ trung bình đại diện cho những nơi dễ tiếp cận nhất để tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa ngày nay.” - Tiến sĩ Khuller nhấn mạnh.

Bảo Tuấn

Theo Daily Mail

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nasa-tiet-lo-su-song-ngoai-hanh-tinh-co-the-an-nap-duoi-be-mat-bang-co-dai-cua-sao-hoa-post1683944.tpo