NATO cân nhắc mở rộng trụ sở chính tạo không gian cho các thành viên tương lai
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang cân nhắc mở rông trụ sở chính tại Brussels (Bỉ) để tìm không gian cho Phần Lan và các thành viên tiềm năng khác trong tương lai.
Theo đài Sputnik (Nga), thông tin trên do trang tin Euractiv dẫn nguồn các nhà ngoại giao NATO đưa tin hôm 6/6.
“Quá trình Phần Lan chuyển vào trụ sở của NATO sẽ hoàn tất trong thời gian tới”, một quan chức NATO cho biết.
Theo hai nhà ngoại giao giấu tên của NATO, giải pháp mà ban lãnh đạo liên minh cân nhắc là xây dựng thêm một tòa nhà trong khuôn viên của NATO, nơi có thể tiếp đón các nhân viên và cơ quan quốc tế của liên minh. Song đây sẽ là một “giải pháp tạm thời”.
Các nhà ngoại giao NATO cho biết việc mở rộng trụ sở mới, vốn đã được lên kế hoạch từ đầu, sẽ chỉ là kế hoạch B, đồng thời cho biết thêm rằng quyết định này rất tốn kém.
Thụy Điển, cùng với Phần Lan, đã nộp đơn gia nhập NATO vào tháng 5/2022, vài tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Phần Lan đã trở thành thành viên của liên minh vào tháng 4/2023. Đơn xin gia nhập liên minh của Thụy Điển vẫn đang chờ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận.
Việc kết nạp Phần Lan, quốc gia có hơn 800km đường biên giới với Nga, đã nhận phải sự chỉ trích gay gắt từ Moskva.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cảnh báo Moskva sẽ đáp trả việc Phần Lan trở thành thành viên của NATO bằng cách củng cố hệ thống phòng thủ nếu cần.
“Chúng tôi sẽ tăng cường tiềm lực quân sự của mình ở phía tây và tây bắc. Trong trường hợp triển khai lực lượng của các thành viên NATO khác trên lãnh thổ Phần Lan, chúng tôi sẽ thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo an ninh quân sự của Nga”, ông Grushko cho biết trong một bài phát biểu được hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đăng tải hồi tháng 4.
Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cũng lên tiếng cáo buộc NATO đã đe dọa “an ninh và lợi ích quốc gia” của Nga thông qua việc kết nạp Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này.
Theo ông Peskov, việc kết nạp Phần Lan là “bước đi làm căng thẳng tình hình”, đồng thời nhắc lại những cảnh báo của Moskva về việc liên minh quân sự NATO đang cố mở rộng tới gần lãnh thổ Nga.