NATO được gì nếu kết nạp Phần Lan và Thụy Điển?

Với hai quốc gia Bắc Âu là thành viên, NATO sẽ có thêm không gian để bảo vệ vùng Baltic - khu vực dễ bị tổn thương hàng đầu của khối quân sự này.

Kể từ khi kết nạp ba quốc gia vùng Baltic năm 2004, NATO đứng trước câu hỏi khó: Làm cách nào để bảo vệ ba quốc gia này nếu bị tấn công. Tuy nhiên, Nga đem tới cho NATO giải pháp khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Chiến dịch của Moscow khiến Phần Lan và Thụy Điển - hai quốc gia vốn lựa chọn chính sách trung lập - tới gần NATO hơn bao giờ hết. Đối với khối quân sự này, hai nước Bắc Âu không chỉ mang tới sự bổ sung về năng lực quân sự, theo Bloomberg.

Về địa - chiến lược, kết nạp Phần Lan và Thụy Điển sẽ làm giảm sự dễ tổn thương của NATO ở sườn đông bắc, qua việc giúp NATO có thêm 1.343 km biên giới trên bộ với Nga, cũng như cô lập tỉnh Kaliningrad - vùng lãnh thổ của Nga kẹp giữa Ba Lan và các nước Baltic.

Hai nước này cũng sẽ giúp NATO có thêm năng lực răn đe trước khả năng diễn ra một chiến dịch quân sự nhằm vào ba quốc gia Baltic - Estonia, Latvia và Lithuania - nơi từng được coi là “gót chân Achilles” của khối.

“Trong trường hợp xung đột nổ ra, chúng tôi sẽ có cơ hội đóng cửa vịnh Phần Lan”, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas nói với báo giới, theo Bloomberg. “Đây là cơ hội mới, điều chúng tôi thậm chí không nghĩ đến trước đây”.

Giá trị chiến lược

Với việc quân đội Nga đang tập trung vào “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, ba nước Baltic dường như không phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công trước mắt. Dù vậy, họ vẫn phải đối mặt với nhiều hình thức đe dọa khác nhau.

Cuối năm 2021, Nga từng yêu cầu NATO rút quân khỏi các nước ở rìa đông khối quân sự này, bao gồm ba nước Baltic, và không tiếp tục mở rộng. Yêu cầu này bị NATO bác bỏ.

 Kết nạp Thụy Điển và Phần Lan sẽ giúp NATO nâng cao năng lực. Ảnh: AFP.

Kết nạp Thụy Điển và Phần Lan sẽ giúp NATO nâng cao năng lực. Ảnh: AFP.

Nếu Phần Lan và Thụy Điển vào NATO, cái giá mà Nga phải trả nếu phát động xung đột với ba nước Baltic sẽ tăng đáng kể. Theo ông William Alberque, chuyên gia về chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại London, Anh, điều này sẽ làm giảm căng thẳng giữa Nga và NATO.

Ông Alberque nói: “Khi có sự ổn định thực sự với lực lượng răn đe đáng tin cậy, Nga sẽ thấy rằng việc tiến công là không đáng. Điều này sẽ làm giảm căng thẳng”.

Dù vậy, điều này sẽ cần thời gian. Giới chức Nga lên tiếng cảnh báo các hậu quả nghiêm trọng với an ninh khu vực nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, bao gồm lời đe dọa mơ hồ về việc triển khai vũ khí hạt nhân ở biển Baltic.

Sau khi Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin cho biết nước này sẽ nộp đơn gia nhập NATO “sớm nhất có thể”, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hành động này “chắc chắn” là mối đe dọa với Nga, theo TASS.

Ông Peskov không đề cập chi tiết các hành động trả đũa của Nga. Dù vậy, Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov cho biết Nga sẽ “cải thiện hoặc gia tăng mức độ sẵn sàng phòng ngự dọc biên giới Nga - Phần Lan”. Việc gia nhập NATO “chưa bao giờ giúp bất cứ quốc gia nào an toàn hơn”, ông Chizhov nói, theo TASS.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/5 nói với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto rằng việc Helsinki từ bỏ vị thế trung lập và gia nhập NATO là “sai lầm”, dẫn đến tác động tiêu cực với quan hệ song phương, theo AFP.

"Món quà" từ Bắc Âu

Theo ông Igor Korotchenko, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí Thế giới (CAWAT), tổ chức có trụ sở tại Moscow, việc Phần Lan có các động thái hướng đến gia nhập NATO khiến Nga thấy “đau đớn” vì Moscow coi Phần Lan là một nước láng giềng gần gũi.

Dù vậy, theo giáo sư khoa học chính trị Kimberly Marten tại Đại học Columbia (Mỹ), việc Thụy Điển và Phần Lan vào NATO sẽ không làm thay đổi lập tức quan điểm của Nga. Hai quốc gia trên đã diễn tập với NATO từ nhiều năm qua, do đó gia nhập khối có thể coi là một hành động mang tính hình thức.

 Với Thụy Điển và Phần Lan, NATO có thể gia tăng năng lực bảo vệ các nước Baltic. Ảnh: Financial Times.

Với Thụy Điển và Phần Lan, NATO có thể gia tăng năng lực bảo vệ các nước Baltic. Ảnh: Financial Times.

“Luôn có nguy cơ xảy ra một hành động nhỏ nhưng gây ra hậu quả lớn”, giáo sư Marten nói về khả năng Nga phản ứng trước sự mở rộng của NATO. “Tuy nhiên, bạn phải đánh giá nguy cơ và lợi ích. Tôi nghĩ rõ ràng rằng lợi ích sẽ cao hơn nguy cơ”.

Hai quốc gia Bắc Âu có một quân đội mạnh theo chuẩn NATO, có ngân sách quốc phòng đang gia tăng, cũng như có khả năng hòa nhập tốt vì đã diễn tập và chia sẻ tin tức tình báo chung trong nhiều năm.

Các nhà ngoại giao NATO cũng chỉ ra lực lượng hải quân mạnh của hai nước và lực lượng dự bị động viên hùng hậu, được huấn luyện tốt của Phần Lan sẽ là tài sản quý báu.

Trong khi đó, về phương diện tác chiến trên không, Thụy Điển sở hữu máy bay chiến đấu Gripen, còn Phần Lan đang thay thế phi đội F/A-18 bằng 64 chiếc F-35A.

Với việc kiểm soát hai bờ vịnh Phần Lan - khu vực có nơi hẹp nhất chỉ 50 km - NATO sẽ có thể ngăn chặn Hạm đội biển Baltic của Nga nếu xung đột bùng phát. Hậu quả chiến lược là tỉnh Kaliningrad sẽ bị cô lập thêm so với phần còn lại của nước Nga, nếu EU quyết định cắt tuyến đường bộ và đường sắt.

NATO vẫn tuyên bố không có kế hoạch phong tỏa Kaliningrad. Dù vậy, nếu Nga là bên phát động trước, điều này có thể thay đổi.

Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas cũng chỉ ra các nước Baltics sẽ bớt phụ thuộc vào “Khoảng trống Suwalki" - đoạn biên giới hẹp giữa Ba Lan và Lithuania nằm giữa Belarus và Kaliningrad - nếu có tuyến đường cung cấp khác từ hướng bắc. Điều này sẽ được đảm bảo nếu Phần Lan và Thụy Điển vào NATO.

“Tư cách thành viên của họ sẽ bổ sung cho an ninh và ổn định ở vùng Baltic”, ông Juri Luik, Đại sứ Estonia tại NATO, trả lời Bloomberg. "Phần Lan và Thụy Điển giúp NATO tiếp cận chúng tôi tốt hơn, họ cũng có thể tăng cường khả năng răn đe của NATO trong khu vực, đặc biệt là trên biển và trên không”.

'Phần Lan hóa' không thuộc về thế kỷ 21 Bà Tanja Jääskeläinen, Phó vụ trưởng Vụ Chính trị, Bộ Ngoại giao Phần Lan, cho biết Helsinki coi NATO là chủ thể thúc đẩy an ninh và ổn định xuyên Đại Tây Dương và ở châu Âu.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nato-duoc-gi-neu-ket-nap-phan-lan-va-thuy-dien-post1317250.html