Nên bỏ kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Trên tạp chí Tia sáng số tháng 9-1999(*) tức là 20 năm trước đây, Giáo sư Hoàng Tụy đã đề xuất những giải pháp cải cách giáo dục, trong đó có vấn đề cải cách thi cử. Giáo sư đã cho rằng cần bỏ hẳn thi tiểu học và trung học cơ sở (THCS).

Nhưng suốt 20 năm qua, kỳ thi tuyển sinh lên lớp 10 vẫn diễn ra với biết bao tốn kém về công sức và tiền của nhưng không đem lại nhiều động lực để cải thiện chất lượng giáo dục, dù kỳ thi này làm tăng áp lực học và dạy lên học sinh và giáo viên.

 Các trường THPT tự quyết được thứ hạng của mình trong hệ thống giáo dục. Ảnh minh họa B.U

Các trường THPT tự quyết được thứ hạng của mình trong hệ thống giáo dục. Ảnh minh họa B.U

Áp lực của kỳ thi này làm gia tăng tình trạng học thêm - học để thi là chính, trong khi phần lớn các em học sinh đều vượt qua kỳ thi này và được cấp bằng tốt nghiệp THCS. Đến nay, học sinh cấp ba đã có thể vượt qua kỳ thi THPT quốc gia một cách nhẹ nhàng, và dựa vào sở trường để chọn một ngành dự xét tuyển vào một trường đại học, ấy vậy mà học sinh cấp hai vẫn phải vật lộn với kỳ thi chuyển cấp.

Cả ngành giáo dục và xã hội phải huy động nguồn nhân lực và vật lực không nhỏ để tổ chức một kỳ thi, theo tôi là không đáng có. Đã có nhiều ý kiến nói về việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THCS, và học sinh dựa vào khả năng bản thân mà tự chọn nộp hồ sơ vào trường THPT phù hợp.

Việc tiếp nhận học sinh và sàng lọc hồ sơ của học sinh lớp 9 nộp vào trường THPT sẽ giúp trường THPT tự quyết để chọn được phân khúc đào tạo phù hợp với tình hình nhà trường. Điều này giúp hệ thống trường THPT tự phân hóa, tự có trách nhiệm với xã hội về sản phẩm mình đào tạo. Các trường THPT cũng tự quyết được thứ hạng của mình trong hệ thống giáo dục, chất lượng cao hay thấp và cần thay đổi như thế nào thì ai ai cũng sáng tỏ.

Từ vài chục năm qua, tình trạng thi tuyển sinh lên lớp 10 vẫn diễn ra với nhiều bất cập. Gần cuối mùa hè vừa qua tại huyện Bình Chánh, TPHCM, có một sự xáo trộn mà theo các giáo viên chủ nhiệm lớp 9 là sự bất nhất của ngành giáo dục. Đầu năm, các trường được yêu cầu phân luồng học sinh lớp 9, những học sinh nào có khả năng thi lên lớp 10 với kết quả không cao sẽ được tư vấn để theo các trường nghề.

Nhiều phụ huynh đã phản ứng khi cho rằng cứ để các em ôn luyện thi tuyển, nếu rớt thì sẽ tự chuyển qua trường nghề, nhưng các trường vẫn “thuyết phục” để phụ huynh đăng ký cho các em học trường nghề. Đùng một cái, cuối năm có công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho phép trường THPT Phong Phú (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) là trường mới, được phép tuyển sinh và dạy học ngay trong năm học 2019-2020. Thế là các trường phải đi làm điều ngược lại là “thuyết phục lần 2” để phụ huynh thay đổi nguyện vọng của con cái từ trường nghề quay ra thi tuyển sinh, nhằm đảm bảo số lượng học sinh vào các trường THPT trong huyện!

Bình Chánh là huyện ngoại thành có tỷ lệ gia tăng dân số cơ học rất cao, phần lớn là dân từ các tỉnh, thành miền Tây lên làm ăn sinh sống. Nhu cầu về chỗ học cho các gia đình đến Bình Chánh rất lớn, mỗi năm cần xây thêm nhiều trường học là điều dễ hiểu. Nhưng nếu có một cách thức xét tuyển phù hợp thì sự xáo trộn sẽ ít xảy ra hơn và mọi kế hoạch được các trường THPT chủ động sắp xếp.

Không chỉ riêng TPHCM mà các tỉnh, thành khác cũng trong tình trạng học sinh thi tuyển chỉ để “tranh nhau” vào trường nào đó, trong khi rất nên tùy vào năng lực mà các em có thể tự chọn trường THPT để nộp hồ sơ xét tuyển.

Tôi luôn tin các trường THPT đủ năng lực để sàng lọc học sinh đạt yêu cầu với khả năng đào tạo của nhà trường.

(*) Trang 95 quyển Xin được nói thẳng của tác giả Hoàng Tụy, NXB Thế giới, 2019

Nguyễn Minh Thanh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291565/nen-bo-ky-thi-tuyen-sinh-lop-10-.html