Nên cho phép doanh nghiệp chọn phương pháp tính thuế

Đó đề xuất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi góp ý vào dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi).

VCCI cho biết, Điều 5 của Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) quy định về đối tượng không chịu thuế gồm nhiều mặt hàng như nông sản chưa chế biến, giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, máy nông nghiệp, tàu cá, thức ăn chăn nuôi, muối… Các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất hàng hóa thuộc nhóm này đang được hưởng lợi là không phải đóng thuế GTGT cho sản phẩm đầu ra.

Tuy nhiên, các DN này cũng đồng thời không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, sản phẩm tương tự cũng không phải chịu thuế GTGT khi nhập khẩu nhưng lại được hoàn thuế GTGT khi xuất khẩu ra khỏi nước đối tác. Như vậy, đối với các mặt hàng thuộc diện không chịu thuế, hàng hóa nhập khẩu đang có chi phí thuế thấp hơn hàng hóa sản xuất trong nước.

Theo VCCI, quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT gây tác động không mong muốn là bảo hộ ngược, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa thay vì sản xuất trong nước. Do đó VCCI cho rằng, cần phải giải quyết một cách thấu đáo trong lần sửa đổi Luật Thuế GTGT lần này.

Cũng theo VCCI, dự thảo đã đưa ra định hướng thu hẹp phạm vi đối tượng không chịu thuế tại Điều 5 của Luật. Đây là quan điểm hợp lý và cần thiết nhằm khuyến khích sản xuất trong nước. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ đề cập vấn đề này đối với phân bón, tàu cá và máy móc nông nghiệp với giải pháp đưa ra là chuyển các mặt hàng này từ diện không chịu thuế sang diện thuế suất 5%. Các mặt hàng còn lại thuộc diện không chịu thuế chưa có giải pháp.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để loại bỏ các mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế theo một số nguyên tắc: Đối với các loại hàng hóa, dịch vụ mà Việt Nam không nhập khẩu từ nước ngoài (hoàn toàn tự sản xuất, cung ứng và tiêu dùng trong nước) thì tiếp tục duy trì diện không chịu thuế.

Tại văn bản góp ý, VCCI đưa ra 4 phương án về các mức thuế suất khi chuyển các mặt hàng không chịu thuế. Phương án 1: chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất 5%; Phương án 2: Chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất 5% hoặc 0%. Theo đó, các mặt hàng có tỷ trọng thuế GTGT chưa được khấu trừ trên 5% thì chuyển về mức 5%, còn các mặt hàng có tỷ trọng thuế GTGT chưa được khấu trừ dưới 5% thì chuyển về mức 0%; Phương án 3: chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất khác nhau. Việc lựa chọn mức thuế suất phù hợp để chuyển các mặt hàng này sang cần căn cứ vào chi phí thuế trung bình chưa được khấu trừ của mặt hàng đó trong giá thành sản phẩm sản xuất trong nước.

VCCI cho biết, phương án 3 sẽ khiến các mặt hàng sản xuất trong nước và mặt hàng nhập khẩu chịu chung một mức thuế suất, xóa bỏ toàn bộ việc bảo hộ ngược; Phương án 4: Cho phép DN trong nước chọn phương pháp tính thuế. Theo đó, toàn bộ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước (không thuộc diện xuất khẩu) được phân loại vào hai nhóm với thuế suất 5% và 10%. Do đó, chuyển toàn bộ hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế sang diện thuế suất 5%; không còn diện hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế.

VCCI nhấn mạnh ưu tiên phương án 4.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nen-cho-phep-doanh-nghiep-chon-phuong-phap-tinh-thue-5725510.html