Nên cho trẻ mặc bỉm đến mấy tuổi?
Đóng bỉm là một thói quen sẽ đi theo trẻ trong suốt những năm tháng đầu đời, yếu tố quyết định đóng bỉm đến mấy tuổi phụ thuộc vào sự phát triển từng trẻ.
Việc bỏ bỉm phụ thuộc vào sự phát triển của riêng từng trẻ. Tưởng chừng đơn giản nhưng việc thay đổi này sẽ ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Vậy đâu là thời điểm thích hợp để ngừng đóng bỉm?
Đến giai đoạn bé được 18 tháng đến 3 tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho bé tập bỏ bỉm dần. Đây là thời điểm thận của bé đã phát triển toàn diện. Bé đã bắt đầu nhận thức được nhu cầu cũng như thời điểm đi vệ sinh thay vì đi tự do.
Tuy nhiên, khi trẻ chưa nhận thức rõ nhu cầu đi vệ sinh, bỏ bỉm sớm là không phù hợp. Thời điểm này, việc bỏ bỉm sẽ gây thêm khó khăn, vất vả cho bố mẹ trong quá trình chăm sóc và vệ sinh, dọn dẹp.
Ngoài ra, nếu không đóng bỉm cho trẻ, sẽ khó đảm bảo được yếu tố vệ sinh. Những tác nhân gây hại cho da bé như vi khuẩn, nấm sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ khi những chất thải tiếp xúc lên da trẻ trong thời gian dài, gây tình trạng viêm da, rất nguy hiểm.
Cha mẹ nên bỏ bỉm từ từ cho con, không nên quá nóng vội. Có thể bỏ bỉm cho trẻ theo từng buổi. Đến lúc trẻ đã quen, có thể bỏ bỉm ban ngày, đóng bỉm ban đêm. Dần dần trẻ sẽ quen với việc không cần bỉm. Luôn nhắc nhở trẻ việc khi con có nhu cầu đi vệ sinh, hãy nhớ gọi bố mẹ để bố mẹ có thể hỗ trợ con.
Thực tế, có rất nhiều trẻ khả năng kiểm soát thói quen đi vệ sinh được hình thành chậm hơn so với trẻ khác, vì vậy thời gian bỏ bỉm cũng sẽ trễ hơn.
Bố mẹ nên dựa vào các dấu hiệu ở trẻ để nhận biết thời gian bỏ bỉm, tuy nhiên không nên quá muộn hoặc kéo dài quá lâu.
Việc bỏ bỉm quá muộn sẽ tập cho trẻ thói quen ỉ lại vào bỉm, từ đó việc rèn luyện cho bé việc tự lập đi vệ sinh hay có nhu cầu đi vệ sinh sẽ khó hơn.
Một số lưu ý về việc bỏ bỉm cho trẻ
Các cột mốc thời gian trẻ nên bỏ bỉm chỉ mang tính ước lượng và thay đổi tùy từng trường hợp. Bên cạnh những yếu tố mang tính thời điểm như độ tuổi, bố mẹ nên dần hình thành thói quen bỏ bỉm cho trẻ khi nhận thấy những dấu hiệu dưới đây:
Trẻ có khả năng nhận thức được các dấu hiệu thôi thúc đi vệ sinh và thông báo đến bố hoặc mẹ.
Mỗi khi bỉm bẩn hoặc cảm thấy khó chịu, trẻ biết đưa ra tín hiệu để yêu cầu thay mới, cởi bỏ.
Bỉm của trẻ khô trong khoảng tối đa 2 giờ là dấu hiệu cho thấy bé đã có khả năng giữ nước tiểu lâu hơn trong bàng quang.
Trẻ thể hiện sự quan tâm đến việc sử dụng bô hoặc tỏ ra không thích mặc bỉm, cố gắng cởi bỉm ra.
Trẻ đã có khả năng ngồi trên ghế bô hoặc có thói quen tìm đến bô mỗi khi muốn vệ sinh.
Đi tiểu thường xuyên là một trong những dấu hiệu cho thấy chức năng thận của trẻ đã dần hoàn thiện hơn.
Trẻ bắt đầu thể hiện sở thích mặc đồ lót thay vì mặc bỉm.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nen-cho-tre-mac-bim-den-may-tuoi-ar797192.html