Nên kéo dài chính sách giảm thuế VAT

Từ đầu năm 2023 tới nay, khó khăn lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam chính là thị trường. Đó là vì cầu trên thế giới giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không tìm được thị trường đủ sức thay thế. Không có đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ nên nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản lượng, cắt giảm công nhân và cũng không mặn mà trong việc vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Chính vì thế, trong lúc này rất cần những chính sách kích cầu thị trường, mà trước hết chính là tận dụng thị trường nội địa. Trong đó, việc tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), hay còn gọi là thuế VAT, là một giải pháp rất thực tế.

Thuế GTGT là loại thuế gián thu, tức là sắc thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp sẽ thu hộ số thuế này cho Nhà nước. Do vậy, khi giảm thuế GTGT thì đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, giá thành sản xuất cũng giảm, kích thích người tiêu dùng mua sắm.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Ảnh: TTXVN

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Ảnh: TTXVN

Thực tế, năm 2022, việc giảm 2% thuế GTGT (từ 10% xuống còn 8%) đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 44.500 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm việc làm cho người lao động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước. Thu thuế GTGT nội địa không giảm mà còn tăng 10% so với cùng kỳ. Như thế, việc giảm thuế GTGT không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân mà ngân sách nhà nước cũng được hưởng lợi. Vì về nguyên tắc là khi doanh nghiệp sống khỏe, mở rộng sản xuất, kinh doanh thì Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu thuế.

Chính vì thấy được lợi ích của việc giảm thuế GTGT nên tại Kỳ họp thứ năm hồi tháng 6-2023, Quốc hội đã quyết định tiếp tục thực hiện chính sách này, với mức giảm thuế là 2% với các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 10% đến hết năm 2023, trừ một số lĩnh vực như dịch vụ viễn thông, bất động sản, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... Đây là một quyết định đúng đắn, nhất là trong giai đoạn nhu cầu thị trường đang suy giảm hiện nay và nhiều nước đang thực hiện giảm thuế để kích cầu thị trường. Thế nhưng, thời gian thực hiện chính sách giảm thuế GTGT chỉ có 6 tháng là hơi ngắn, trong khi theo nhiều dự báo thì tình hình kinh tế thế giới năm 2024 nhìn chung còn khó khăn, nhu cầu thị trường vẫn còn thấp. Hơn nữa, để cảm nhận được hiệu quả của một chính sách bao giờ cũng có độ trễ vài tháng. Khi người dân và doanh nghiệp bắt đầu cảm nhận được lợi ích của chính sách giảm thuế GTGT thì thời gian thực hiện cũng sắp hết.

Qua trao đổi, khảo sát sơ bộ, đại đa số người dân, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đều muốn chính sách giảm thuế GTGT tiếp tục được kéo dài trong thời gian tới. Một số chuyên gia cho rằng nên kéo dài chính sách giảm thuế GTGT đến hết năm 2024. Cùng với đó, nếu tổng kết cho thấy việc giảm thuế GTGT thực sự mang lại những lợi ích lớn cho nền kinh tế thì cơ quan quản lý nên nghiên cứu để thuế GTGT ở mức thấp hơn, coi đây là cách nuôi dưỡng nguồn thu.

HỒ QUANG PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nen-keo-dai-chinh-sach-giam-thue-vat-743284