Nền kinh tế tầm thấp: 'Cuộc đua' khai thác không gian mới
Trên thế giới, 'nền kinh tế tầm thấp' mới đang ở giai đoạn sơ khai và chưa có quốc gia nào có lợi thế vượt trội. Trung Quốc coi đây là một điểm tăng trưởng kinh tế mới cần tạo ra và nắm bắt kịp thời.
Theo trang mạng hkcna.hk số ra mới đây, chỉ một tuần sau khi Báo cáo chính sách điều hành, đề cập đến việc phát triển “nền kinh tế tầm thấp”, của chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) được công bố, Thâm Quyến – địa phương lân cận với Hong Kong - đã thực hiện những bước đi mới để đón đầu chính sách này.
Ngày 23/10, nền tảng mua sắm Meituan của Trung Quốc đã triển khai tuyến máy bay không người lái đến cảng Futian (cảng đất liền nối biên giới giữa Hong Kong và Thâm Quyến). Với chính sách giao hàng mới, người dân Hong Kong có thể đặt đồ ăn và đồ uống thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat hoặc ứng dụng di động Meituan.
Nền tảng này đồng thời cũng hỗ trợ người dùng đăng ký bằng điện thoại di động ở hai Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Macau (Trung Quốc), có thể thông qua hệ thống thanh toán WeChat Pay HK để thanh toán bằng đồng đô la Hong Kong (HKD) thay vì buộc phải chuyển đổi sang đồng nhân dân tê (NDT). Người mua tại hai địa phương thậm chí có thể hoàn tất đơn hàng trước khi làm thủ tục hải quan, sau khi làm thủ tục hải quan, khách có thể đến điểm hạ cánh được chỉ định bên cạnh cảng để nhận đồ mang đi. Toàn bộ thời gian chỉ mất 10 phút.
Xây dựng “nền kinh tế tầm thấp”
Khái niệm “tầm thấp” trong “nền kinh tế tầm thấp” thường đề cập đến phạm vi không phận dưới 1.000 m. “Nền kinh tế tầm thấp” nghĩa là sử dụng máy bay không người lái để thực hiện các hoạt động kinh tế trên không, bao gồm chở người, hàng hóa, bay tầm thấp, du lịch hàng không, điều trị y tế khẩn cấp, giao đồ ăn và được nhiều nước coi là một động lực mới để phát triển kinh tế.
Có người cho rằng câu chuyện về máy bay không người lái được sử dụng để giao đồ ăn khác xa với chiến lược phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới và thuộc về "nền kinh tế cấp thấp”. Đây là một hình thái kinh tế mới vừa xuất hiện, “nền kinh tế tầm thấp” chứa đựng tiềm năng phát triển rất lớn và đòi hỏi phải hiểu rõ khái niệm và tính chất của vấn đề một cách toàn diện, từ nhiều góc độ và có hệ thống. Cần phải lưu ý rằng “nền kinh tế tầm thấp” không phải là nền kinh tế cấp thấp.
Sau khi trải qua quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông mạnh mẽ, như đường cao tốc và đường sắt cao tốc, trọng tâm tiếp theo của “cơn bão cơ sở hạ tầng” của Trung Quốc sẽ ở đâu? Câu trả lời là “nền kinh tế tầm thấp”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ trung ương, hiện gần 30 tỉnh ở Trung Quốc đã đưa nội dung phát triển kinh tế tầm thấp vào báo cáo công tác của chính quyền hoặc ban hành các chính sách liên quan. Năm 2024 được gọi là “năm đầu tiên phát triển kinh tế tầm thấp” của Trung Quốc.
"Báo cáo nghiên cứu phát triển kinh tế tầm thấp của Trung Quốc (năm 2024)", do CCID Consulting công bố cho thấy, vào năm 2023, quy mô “nền kinh tế tầm thấp” của Trung Quốc đạt 505,95 tỷ NDT (70,97 tỷ USD), tăng trưởng 33,8%. Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc ước tính thị trường kinh tế tầm thấp sẽ đạt 1.500 tỷ NDT vào năm 2025 và dự kiến đạt 3.500 tỷ NDT vào năm 2035.
Các chuyên gia phân tích rằng thị trường "3.000 tỷ NDT" của “nền kinh tế tầm thấp” bao gồm: sản xuất máy bay không người lái ở thượng nguồn, mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống định vị, giám sát ở trung nguồn và các kịch bản ứng dụng ngành nghề tầm thấp tại hạ nguồn.
Hiện nay, các nước phát triển đều đang thúc đẩy “nền kinh tế tầm thấp”, nhưng mỗi nước có ưu tiên khác nhau. Trọng tâm của Mỹ là cải thiện cơ sở hạ tầng và các quy định quản lý cũng như tăng cường vai trò lãnh đạo các ngành nghề. Trong khi, trọng tâm của Liên minh châu Âu (EU) là sự nhất quán về pháp lý và thống nhất pháp lý giữa các quốc gia thành viên. Trọng tâm của Vương quốc Anh là nâng cao hiểu biết của toàn xã hội và khả năng vận hành thực tế của chuyến bay ở độ cao thấp, thúc đẩy việc phổ biến công nghệ. Trọng tâm của Singapore là khám phá các kịch bản ứng dụng công nghệ ở độ cao thấp trong các thành phố để giúp xây dựng thành phố thông minh.
Đánh giá từ tình hình hiện tại, điểm yếu lớn nhất của “nền kinh tế tầm thấp” Trung Quốc là cơ sở hạ tầng. Lấy tỷ lệ của các sân bay làm ví dụ, diện tích đất liền của Trung Quốc về cơ bản tương đương với Mỹ, theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến tháng 9/2023, Mỹ có tới 20.061 sân bay, trong khi Trung Quốc là gần 700 sân bay. Từ đó có thể dự đoán xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ là trọng tâm của “nền kinh tế tầm thấp” của Trung Quốc trong những năm tới.
Không thể thua ngay từ vạch xuất phát
Nhìn từ góc độ toàn cầu, “nền kinh tế tầm thấp” đang ở giai đoạn sơ khai và chưa có quốc gia nào có lợi thế vượt trội. Trung Quốc coi “nền kinh tế tầm thấp” là một điểm tăng trưởng kinh tế mới cần tạo ra và Hong Kong đang đưa ra những kế hoạch kịp thời vào thời điểm này.
Trong Báo cáo chính sách điều hành, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lý Gia Siêu đề xuất bốn điểm trọng tâm để phát triển “nền kinh tế tầm thấp”: phát triển các kịch bản ứng dụng bay ở tầm thấp, sửa đổi các quy định liên quan, kết nối với Trung Quốc, nghiên cứu và triển khai cơ sở hạ tầng ở tầm thấp.
Thứ nhất, việc phát triển các kịch bản ứng dụng nhằm mục đích “bắt đầu”. Mặc dù diện tích Hong Kong không lớn nhưng dân số đông đúc, nền kinh tế năng động, có nhiều kịch bản ứng dụng cho “nền kinh tế tầm thấp”. Các kịch bản ứng dụng được biết đến hiện nay bao gồm vận chuyển bằng máy bay không người lái, khảo sát, bảo trì tòa nhà, chụp ảnh trên không, biểu diễn và tìm kiếm cứu nạn, nếu được quy hoạch theo khái niệm "tầm thấp +", có thể khám phá nhiều kịch bản ứng dụng hơn.
Thứ hai, sửa đổi các luật và quy định liên quan. Một khi các điều kiện kỹ thuật được đáp ứng, việc nới lỏng các hạn chế về "ngoài tầm nhìn của chuyến bay" cũng như những hạn chế về trọng lượng và hàng hóa của máy bay không người lái sẽ mang lại không gian rộng rãi cho sự phát triển của “nền kinh tế tầm thấp”.
Thứ ba, kết nối với Trung Quốc có thể kích hoạt nguồn lực ở cả hai nơi. Báo cáo chính sách đề xuất: “Thảo luận với Trung Quốc đại lục về việc cùng xây dựng các tuyến đường hàng không xuyên biên giới ở tầm thấp, các thỏa thuận xuất nhập cảnh và thông quan cũng như cơ sở hạ tầng hỗ trợ”. Điều này có lợi cho việc mở cửa thị trường Hong Kong và Trung Quốc đại lục trong tương lai, lợi ích của “nền kinh tế tầm thấp” của Hong Kong sẽ không chỉ đến từ Hong Kong mà còn đến từ thị trường khổng lồ của Trung Quốc đại lục.
Thứ tư, xây dựng cơ sở hạ tầng tạo nền tảng vững chắc cho ngành nghề. Các hoạt động ở tầm thấp của máy bay liên quan đến nhiều khía cạnh như địa điểm cất cánh và hạ cánh, hỗ trợ liên lạc, thiết kế đường bay và quản lý an toàn. Nếu các cơ sở hạ tầng này được thiết lập tốt, ngành sẽ có nền tảng vững chắc.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nen-kinh-te-tam-thap-cuoc-dua-khai-thac-khong-gian-moi/351917.html