Nền kinh tế Trung Quốc đang bị suy yếu bởi biến thể Delta

Nền kinh tế Trung Quốc đã suy yếu, thậm chí đình trệ trong một tháng qua, khi nước này quyết liệt ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 do biến thể Delta. Họ đặc biệt phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cung ứng và vận chuyển hàng hóa.

Trung Quốc quyết ngăn chặn Covid-19 bất chấp phải đánh đổi bằng kinh tế - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Trung Quốc cấm trẻ em chơi trò chơi điện tử trực tuyến trong tuần

Lầu Năm Góc lần đầu đàm phán với quân đội Trung Quốc trong nhiệm kỳ Biden

Trung Quốc chấn chỉnh "văn hóa thần tượng" trên không gian mạng

Theo một khảo sát chính thức, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã giảm từ 50,4 điểm vào tháng 07/2021 xuống 50,1 điểm trong tháng 08/2021. Con số cao hơn mốc 50 điểm này cho thấy tốc độ mở rộng kinh tế tại quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn lớn hơn so với thu hẹp. Tuy nhiên, đây vẫn là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

Các ngành dịch vụ, hiện chiếm một phần lớn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thậm chí còn tồi tệ hơn. Chỉ số mua các mặt hàng phi sản xuất đã giảm từ 53,3 điểm trong tháng 7 xuống còn 47,5 điểm trong tháng 8. Đây là sự sụt giảm đầu tiên ở lĩnh vực này tại Trung Quốc kể từ tháng 02/2020.

Nền kinh tế Trung Quốc ban đầu đối phó với đại dịch rất tốt, khi vẫn ghi nhận mức tăng trưởng vào năm ngoái, trong khi các nền kinh tế quốc gia khác giảm dần. Tuy nhiên, sự bùng phát của biến thể Delta và biện pháp hạn chế đi lại gắt gao đã tàn phá nền kinh tế này chỉ trong khoảng thời gian ngắn vừa qua.

Đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trong một năm qua tại Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà chức trách thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn các ca nhiễm mới, bao gồm phong tỏa các thành phố, hủy chuyến bay và đình chỉ hoạt động thương mại. Chiến lược quyết liệt và không khoan nhượng đã kiềm chế được biến thể Delta, song phải trả giá bằng kinh tế.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, viết trong một báo cáo nghiên cứu hôm thứ Ba (31/8) rằng: “Các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm vào tháng trước, do biện pháp giãn cách toàn xã hội ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động dịch vụ”.

Các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn gần đây. Thương mại toàn cầu rơi vào hỗn loạn trong nhiều tháng, khi sản xuất tăng lên và nhu cầu tiêu dùng bùng nổ. Trong khi đó, chuỗi cung ứng và vận chuyển tiếp tục gặp khó khăn do thiếu container, các cảng biển và sân bay bị đóng cửa…

Một nhà ga tại cảng Ningbo-Zhoushan phía nam Thượng Hải đã bị đóng cửa trong nhiều tuần, sau khi chỉ một công nhân có kết quả dương tính với Covid-19. Sự cố này làm tăng thêm tình trạng tồn đọng hàng hóa, do trước đó một số cảng nhộn nhịp nhất thế giới ở miền nam Trung Quốc đã không còn hoạt động trong thời gian dài.

Evans-Pritchard viết: “Các cuộc khảo sát chỉ ra sự thiếu hụt nguồn cung ứng vẫn đang diễn ra, thời gian giao hàng kéo dài hơn, trong khi các nhà máy đang dần cạn kiệt nguyên liệu sản xuất trong kho”.

Tuy nhiên, những đợt bùng phát Covid-19 dữ dội và khủng hoảng vận chuyển không phải là tất cả những gì mà Trung Quốc đang đối phó. Bắc Kinh còn thắt chặt việc hoạt động của các doanh nghiệp. Ngay cả các ngành công nghệ, công nghiệp và giáo dục cũng đã bị cuốn vào khủng hoảng.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Oanda, cho biết: “Việc kìm hãm kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục, đang tác động đến cả niềm tin của người tiêu dùng khi họ lo ngại về những can thiệp rộng lớn hơn sẽ đến".

Evans-Pritchard dự báo sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc sẽ cải thiện vào tháng 9 khi dịch Covid-19 được kiểm soát trở lại ở quốc gia này. Tuy nhiên, ông cho rằng những rào cản khác vẫn tồn tại, trong đó việc các khoản vay tín dụng bị thắt chặt sẽ tạo ra một "lực cản ngày càng gia tăng".

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nen-kinh-te-trung-quoc-dang-bi-suy-yeu-boi-bien-the-delta-post153620.html