Nền tảng số trong giáo dục nghề nghiệp: Khơi thông 'điểm nghẽn' cho thị trường lao động

Tại hội nghị trực tuyến do Chính phủ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây với chủ đề 'Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập', các chuyên gia khẳng định, để khơi thông các 'điểm nghẽn' cho thị trường lao động hiện nay thì một trong những giải pháp trọng tâm, đó là phải thực hiện đột phá phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào con người, thông qua các chính sách như: thu hút và trọng dụng nhân tài; tạo việc làm có năng suất cao và đặc biệt là đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động, phổ cập nghề cho lực lượng lao động… từ đó, tạo đòn bẩy để nâng tầm chất lượng nguồn lao động.

Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện xây dựng Việt Xô tham gia thi kỹ năng nghề quốc gia bằng hình thức trực tuyến.

Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện xây dựng Việt Xô tham gia thi kỹ năng nghề quốc gia bằng hình thức trực tuyến.

Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu trong đào tạo nghề

Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra những vấn đề mới. Nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trong sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện đại. Thực tiễn này đòi hỏi công tác đào tạo nghề phải đi trước một bước, chủ động thay đổi để biến thách thức thành cơ hội, trong đó, ứng dụng nền tảng số vào công tác đào tạo được coi là một giải pháp trọng tâm.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Trong những năm qua, chất lượng nguồn lao động của tỉnh Ninh Bình không ngừng được nâng cao. Ở một số ngành nghề như hàn, công nghệ ô tô, cơ khí…, kỹ năng nghề của người lao động đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có thể đảm nhận được nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Trong các cuộc thi tay nghề quốc gia, khu vực và thế giới, đoàn của tỉnh Ninh Bình cũng đã giành được nhiều thứ hạng cao. Trên thực tế ở tỉnh ta, các chỉ số thể hiện nhu cầu về nguồn lao động, nhất là lao động chất lượng cao cũng được thể hiện khá rõ nét qua số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Theo ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thì hiện nay, có khoảng 15 đơn vị đăng ký tuyển dụng trực tiếp tại Sàn, trên 70 đơn vị gửi chỉ tiêu tuyển dụng tới hơn 20 nghìn vị trí việc làm trống, 9 đơn vị xuất khẩu lao động gửi chỉ tiêu tuyển dụng khoảng 5 nghìn chỉ tiêu đi tu nghiệp sinh và làm việc tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước châu Âu với chi phí thấp và thu nhập từ 20-60 triệu đồng/tháng.

Để đưa cơ hội việc làm đến người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm, trong đó có 3 phiên trực tuyến kết nối rộng rãi với 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, đây vẫn là số lao động khó có thể lấp đầy, một trong những nguyên nhân là chất lượng nguồn lao động chưa phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Như vậy, muốn tạo ra nguồn lao động đủ năng lực để cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là tiệm cận với thị trường lao động thế giới thì các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh cần chủ động, linh hoạt thay đổi phương thức đào tạo để thích ứng, trong đó có việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động đào tạo. Mục tiêu của chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh về số lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, Chương trình phấn đấu đến năm 2030 sẽ đạt 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; 100% nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo phát triển học liệu số.

Đến năm 2030, phấn đấu 100% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số; phấn đấu 100% chương trình đào tạo chuyên ngành CNTT, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới…

Chủ động thích ứng để hội nhập và phát triển

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong hơn 2 năm qua thực sự là một "phép thử" đối với các cơ sở đào tạo nghề. Để tồn tại, thậm chí là phát triển ổn định ngay cả trong bối cảnh mọi hoạt động gần như bị "đóng băng" bởi dịch bệnh COVID-19, các cơ sở đào tạo nghề đã linh hoạt ứng dụng mạnh mẽ CNTT ngay từ khâu tuyển sinh đến các hoạt động đào tạo trọng tâm. Hiệu quả bước đầu cho thấy, việc ứng dụng CNTT đã giúp các cơ sở đào tạo nghề biến "nguy" thành "cơ" để phát triển. Rõ ràng, đây không còn là giải pháp tình huống khi ứng phó với dịch bệnh nữa mà đã là xu thế tất yếu của thời đại.

Trước đây, việc tuyển sinh của Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô được thực hiện khá đa dạng dưới nhiều hình thức như trực tiếp, gián tiếp qua trang Web của nhà trường. Tuy nhiên, dịch COVID-19 kéo dài trong hơn 2 năm qua đã làm thay đổi phương thức tuyển sinh của nhà trường, từ trực tiếp sang gián tiếp bằng cách ứng dụng các tính năng của CNTT. Nhờ đó, nhà trường luôn duy trì được tỷ lệ tuyển sinh đạt trên 90% số lượng sinh viên cho hệ cao đẳng, ở hệ trung cấp thì tỷ lệ này còn ở mức cao hơn.

Theo ông Lê Hồng Phong, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô, đây cũng là lúc nhà trường ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động tuyển sinh. Từ việc tuyên truyền qua hệ thống Website của nhà trường, đến việc tiếp nhận hồ sơ, làm các thủ tục nhập học…

Hiện nay, ngay cả khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát thì nhà trường vẫn duy trì, thậm chí ngày càng chú trọng, khai thác tối đa hiệu quả của hình thức tuyển sinh gián tiếp này. Công tác tư vấn, gửi hồ sơ nhập học đến đóng học phí, nhập học của nhà trường đều được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Đặc biệt, nhà trường cũng đang tập trung các nguồn lực để từng bước thực hiện việc chuyển đổi số và xác định đây là cơ hội để đổi mới và hội nhập.

Hiện nay, nhà trường có thư viện điện tử với khoảng 4.000 tài liệu điện tử đã được số hóa bao gồm giáo trình và tài liệu tham khảo của 19 ngành nghề đảm bảo cho nhu cầu khai thác của HSSV và cán bộ giáo viên. Phần mềm quản lý điểm của nhà trường cho phép giáo viên và học sinh trực tiếp tra cứu chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo và kết quả học tập trên mạng internet.

Ngoài ra, nhà trường đang vận hành và đưa vào sử dụng hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến một số môn học. Hệ thống góp phần đa dạng hóa các loại hình đào tạo và nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như chất lượng đào tạo trong việc dạy học online.

Nhà trường cũng đã và đang thực hiện chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về số hóa trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, đối với công tác đào tạo, nhà trường đã thực hiện thư viện số; quản lý công tác đào tạo (thông tin người học, kết quả học tập); đào tạo trực tuyến hoặc từ xa (cho phép người học vào học bất kỳ thời gian nào, quản lý được thời gian và kết quả học tập của người học..); tra cứu thông tin văn bằng chứng chỉ của người học tại trường đã tốt nghiệp.

Đối với công tác tài chính, nhà trường đã thực hiện chữ ký điện tử và một số chứng từ kế toán trên DVC; thu tiền học phí của người học qua Viettel Money được tích hợp với phần mềm quản lý đào tạo. Đặc biệt, để thích ứng với phương pháp dạy học trực tuyến, nhà trường tăng cường thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. 155 giáo viên của 19 ngành, nghề đào tạo được tập huấn sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh, các phần mềm dạy học.

Trên cơ sở ấy, các giáo viên cũng chủ động học hỏi, sáng tạo trong việc xây dựng nguồn học liệu để cung cấp tài liệu học tập cho sinh viên dưới hình thức số hóa; thiết kế các bài giảng đảm bảo chất lượng và sự phong phú. Đến nay, trên 70% giáo viên của nhà trường đều đáp ứng tốt việc thích ứng với phương pháp dạy học trực tuyến.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh khẳng định: Qua các kỳ hội giảng trực tuyến của các nhà giáo cũng như các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia được tổ chức trong thời điểm dịch bệnh được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, tỉnh Ninh Bình đều đạt nhiều kết quả cao, rất phấn khởi. Rõ ràng, từ những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, chuyển đổi số đã cho thấy những lợi thế trở thành xu thế tất yếu trong giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cần chủ động hơn nữa để đổi mới và thích ứng với tình hình mới. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số hướng đến mục tiêu xây dựng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông minh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nen-tang-so-trong-giao-duc-nghe-nghiep-khoi-thong-diem-nghen/d20220922080151991.htm