Nền tảng vững chắc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển

Có thể khẳng định rằng, việc ký kết Hiệp ước, hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Đội tuần tra của Đồn Biên phòng Pha Long, BĐBP Lào Cai và Tiểu đoàn BĐBP Nam Khê, BĐBP khu Mông Tự, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc phối hợp tuần tra song phương. Ảnh: Trung Dũng

Đội tuần tra của Đồn Biên phòng Pha Long, BĐBP Lào Cai và Tiểu đoàn BĐBP Nam Khê, BĐBP khu Mông Tự, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc phối hợp tuần tra song phương. Ảnh: Trung Dũng

Hoạch định đường biên giới trên đất liền khoa học, chính xác

Ngày 30-12-1999, Chính phủ hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là Hiệp ước). Dựa trên các điều khoản của Hiệp ước, sau 8 năm tiến hành phân giới, cắm mốc trên thực địa (từ năm 2001 đến 2009), hai bên đã hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc với chiều dài đường biên giới là 1.449,566km thuộc 7 tỉnh của Việt Nam và 2 tỉnh của Trung Quốc và tổng số mốc đã cắm là 1.970 mốc. Đến năm 2010, hai nước tuyên bố chính thức quản lý đường biên giới mới và triển khai thực hiện 3 văn kiện pháp lý là: Nghị định thư phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (được hai nước ký kết năm 2009).

Tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hiệp ước được ký kết giữa hai nước cũng như việc hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc năm 2008 và triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền năm 2010 đã đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước hoạch định được đường biên giới trên đất liền một cách khoa học, chính xác với hệ thống mốc giới chính quy, hiện đại, khép lại quá trình đàm phán hoạch định, giải quyết vấn đề biên giới đất liền giữa hai nước. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị, trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác quản lý biên giới, phát huy hiệu quả vai trò của cơ chế Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, thực hiện nghiêm túc 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Hai bên cũng cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác tại khu vực biên giới đạt kết quả thực chất, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch...; thúc đẩy giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương biên giới hai nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, hai bên cần tiếp tục tăng cường hợp tác trong công tác quản lý biên giới, phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, giải quyết tốt các sự việc phát sinh trên biên giới, nâng cao hiệu quả quản lý. Theo ông Vương Nghị, việc hai bên giải quyết ổn thỏa các vấn đề biên giới trên đất liền và vịnh Bắc bộ sẽ là kinh nghiệm quý báu để giải quyết vấn đề trên biển.

Mối quan hệ chặt chẽ trong quản lý, bảo vệ biên giới

Sau khi Việt Nam và Trung Quốc tiến hành bàn giao các khu vực, cồn bãi quy thuộc cho nhau, thực hiện triển khai quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo 3 văn kiện pháp lý, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo BĐBP phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn và cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp quản hệ thống đường biên, mốc quốc giới, cồn bãi quy thuộc và các vấn đề liên quan; thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo 3 văn kiện pháp lý.

Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ biên phòng; nắm chắc tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phối hợp với các lực lượng tổ chức tuần tra, quản lý, bảo vệ biên giới. Lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam cũng phối hợp tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc; tổ chức diễn tập và phát quang đường thông tầm nhìn biên giới, phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới... Trong 10 năm qua, BĐBP Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát biên phòng tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, lối mở qua lại tạm thời và điểm thông quan hàng hóa trên biên giới. Bên cạnh đó, Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu phía Việt Nam đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu phía Trung Quốc thúc đẩy việc mở, nâng cấp các cặp cửa khẩu đã được Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu hai bên thống nhất tại các lần hội nghị.

Nhìn chung, sau khi hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc, lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc đã tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ trong quản lý, bảo vệ biên giới theo 3 văn kiện pháp lý. Qua đó, góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia, hai lực lượng; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi bên.

Có thể khẳng định rằng, việc ký kết Hiệp ước, hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Hai bên đã kiên trì các nguyên tắc, phương châm công bằng, hợp lý, tôn trọng lẫn nhau, quan tâm đến lợi ích của nhau trên cơ sở pháp lý đã thỏa thuận, luật pháp quốc tế và những nguyên tắc giải quyết các vấn đề cụ thể. Như lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tại lễ kỷ niệm, đó là những kinh nghiệm quý báu của hai nước trong việc giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ; đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một hết sức coi trọng việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị, sẵn sàng cùng Trung Quốc đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đi vào chiều sâu.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nen-tang-vung-chac-xay-dung-bien-gioi-hoa-binh-huu-nghi-on-dinh-hop-tac-va-phat-trien-post432640.html