Nên tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp diện Nghị định 116 như thế nào?
Quá trình triển khai NĐ 116 tại các cơ sở đào tạo nhận ngân sách từ Trung ương và các cơ sở phụ thuộc vào ngân sách địa phương có sự khác nhau.
Nghị định 116/2020 ngày 25/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020, áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022.
Vướng mắc khi thực hiện Nghị định 116 chủ yếu tại các địa phương
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Đức Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho biết, nhà trường đã triển khai đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 ngay từ năm học 2021-2022.
“Nguồn ngân sách thực hiện do Trung ương trực tiếp phân bổ xuống chứ không phải do địa phương, do vậy đến nay quá trình triển khai Nghị định 116 tại đơn vị diễn ra rất thuận lợi”,Tiến sĩ Phan Đức Tuấn chia sẻ.
Theo thầy Tuấn, Nghị định 116 ra đời đã tạo ra rất nhiều điều kiện thuận lợi cho trường khi thực hiện tuyển sinh và đào tạo. Theo đó, trước đây, nhà trường chỉ tuyển sinh được khoảng 60-70% trên tổng chỉ tiêu được giao, tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, kết quả tuyển sinh luôn đạt 100% chỉ tiêu, đặc biệt có một số ngành vượt ngưỡng như giáo dục tiểu học, sư phạm Toán học, sư phạm Ngữ văn,...
“Mục tiêu xa của Nghị định 116 là thu hút người giỏi vào theo học ngành sư phạm, theo tôi chúng ta đã đạt được. Tuy nhiên, quá trình triển khai ghi nhận vẫn còn vướng mắc chủ yếu tại các địa phương, với những vấn đề như thu hồi kinh phí như thế nào, sinh viên đào tạo xong không trở về công tác tại địa phương, hay về lại địa phương thì việc bố trí công tác ra sao vì còn phụ thuộc vào luật thi tuyển viên chức (Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức)”, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đánh giá.
Do vậy, thầy Tuấn cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng và đơn vị thực hiện liên quan cần họp bàn và điều chỉnh những vướng mắc để quá trình thực hiện Nghị định 116 được diễn ra thuận lợi nhất.
Có Nghị định 116, trường cao đẳng sư phạm vẫn chật vật với bài toán tuyển sinh
Triển khai tuyển sinh và đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 từ năm học 2021-2022, tuy nhiên đến nay các sinh viên khóa đầu tiên vẫn chưa nhận được chi phí sinh hoạt hỗ trợ. Thầy Hồ Văn Tám - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Long An cho biết:
“Nhà trường đã hoàn thành các thủ tục và hồ sơ để sắp tới nhận khoản hỗ trợ chi phí sinh hoạt 10 tháng (năm thứ nhất) cho sinh viên khóa đầu tiên”.
Tại Long An, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ nhận tiền trợ cấp từ Ủy ban nhân dân tỉnh, từ đó phân bổ về Trường Cao đẳng Sư phạm Long An. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Tám cho biết, địa phương rất tích cực trong việc thực hiện triển khai đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, tuy nhiên, số lượng người đăng kí theo học tại nhà trường lại rất hạn chế.
Năm 2021, có khoảng 60 sinh viên đăng kí hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116. Năm 2022, địa phương đặt hàng và giao nhiệm vụ cho Trường Cao đẳng Sư phạm Long An là 300 chỉ tiêu, tuy nhiên đơn vị chỉ tuyển được khoảng 90 sinh viên, trong đó có gần 50 em đăng kí hưởng diện Nghị định 116.
“Nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, trong công tác tuyển sinh cũng đã phổ biến rộng rãi đến các thí sinh về Nghị định 116, tuy nhiên tác động của Nghị định này đến hiệu quả tuyển sinh tại nhà trường còn khá hạn chế”, thầy Tám chia sẻ.
Theo đó, số sinh viên theo học tại trường nhưng không đăng kí hưởng trợ cấp theo Nghị định 116 phần lớn do các em “ngại các vấn đề về bồi hoàn kinh phí khi tốt nghiệp ra trường không công tác trong ngành giáo dục, hoặc trong quá trình học vì lý do cá nhân phải tạm nghỉ,...”.
Nhiều ưu đãi dành cho người học kể từ khi có Nghị định 116, tuy nhiên bức tranh tuyển sinh của nhà trường vẫn không có nhiều khả quan. Lý giải điều này, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Long An cho biết do cánh cửa vào đại học ngày càng dễ dàng, do đó không có nhiều thí sinh lựa chọn học mầm non hệ cao đẳng.
Điều này cũng do tác động một phần từ các điều chỉnh về quy định trình độ giáo viên các cấp theo Luật Giáo dục 2019. Các trường cao đẳng sư phạm theo đó cũng bị giới hạn đối tượng tuyển sinh, chỉ đào tạo duy nhất ngành sư phạm mầm non thay vì đào tạo giáo viên các cấp từ mầm non đến trung học cơ sở như trước đây.
Đối với Nghị định 116, thầy Hồ Văn Tám cho biết, điểm băn khoăn duy nhất chính là vấn đề bồi hoàn kinh phí rất khó thực hiện. Đơn vị thực hiện nhiệm vụ thu hồi kinh phí cũng chưa được quy định rõ ràng, do vậy quy định này dường như rất khó để triển khai trong thực tế.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Long An cho rằng cần có quy định lại liên quan tới điều khoản này, trong đó đề cao sự cam kết chặt chẽ giữa đối tượng người học và đơn vị cung cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo, đảm bảo việc đào tạo gắn chặt với quá trình tuyển dụng, đúng mục tiêu, đối tượng phục vụ.
Chia sẻ thêm, thầy Tám cho biết, trước đây tỉnh Long An cũng đã từng triển khai đề án đào tạo giáo viên có hỗ trợ kinh phí nhằm bổ sung lực lượng giáo viên còn thiếu tại địa phương. Theo đó, sau khi tốt nghiệp, người học bắt buộc phải cam kết phục vụ tại địa phương 5 năm, bằng tốt nghiệp sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo giữ đến khi kết thúc thời hạn trên.
Do vậy, theo thầy Tám, đối với Nghị định 116 cũng cần có quy định ràng buộc tương tự. Cụ thể, cần yêu cầu người học sau khi tốt nghiệp phải cam kết phục vụ đơn vị đã cung cấp ngân sách hỗ trợ đào tạo; Tránh trường hợp địa phương bỏ tiền đầu tư, cuối cùng các em sau khi học xong tốt nghiệp ra trường lại đến tỉnh khác công tác, như vậy đơn vị vừa “mất không” một khoản đầu tư lớn mà bài toán thiếu giáo viên thì lại tiếp tục “bỏ ngỏ”.