Nên xin chữ gì đầu năm Tân Sửu 2021?
Xin chữ đầu năm là phong tục của người Việt nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học... Đầu năm Tân Sửu 2021 nên xin chữ gì?
Nên xin chữ gì đầu năm Tân Sửu 2021?
Xin chữ đầu năm, tôn vinh truyền thống hiếu học
Xin chữ, cho chữ là một phong tục truyền thống mỗi dịp Tết đến xuân về của người Việt Nam. Đó là nét văn hóa đẹp, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc.
Theo quan niệm, những người biết chữ, không chỉ có cơ hội đỗ đạt làm quan, vẻ vang họ tộc, quê hương mà còn là những hình mẫu của lối sống có đạo đức, có nghĩa, có tình, có tôn ti trật tự, là tấm gương cho mọi người. Chính vì thế, mà chữ được gọi là “chữ thánh hiền”, người biết chữ được gọi là người “có học”.
Ngày nay, mỗi độ tết đến xuân về, khu Văn Miếu, Quốc Tử Giám lại xuất hiện những ông đồ già, trẻ. Mỗi người một xếp giấy, vài chiếc bút lông và nghiên mài mực, ngồi khoanh chân trên chiếc chiếu hoa vuông vức xinh xắn để sẵn sàng cho những người xin chữ.
Cũng từ đó, xuất hiện hình tượng ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên:
"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay...”
Những người viết chữ đẹp, không chỉ thể hiện sự rèn giũa luyện tập mà còn thể hiện hoa tay khéo léo, nâng tầm lên thành thư pháp, mỗi chữ là một tác phẩm nghệ thuật giá trị.
Xin chữ gì đầu năm Tân Sửu 2021?
Mỗi chữ đều có một giá trị khác nhau, do vậy mỗi người đến xin chữ đều có những sở nguyện khác nhau. Một số chữ thường được xin vào đầu năm như: Lộc, Phúc, Thọ, Đức, Tâm, An...
Chữ "Lộc" biểu trưng cho tài lộc: Những người xin chữ này muốn có một năm làm ăn phát tài, phát lộc. Mọi người tặng nhau chữ "Lộc" như là lời chúc may mắn, thành đạt. Vì vậy, chữ "Lộc" được rất nhiều người xin vào đầu năm để treo trong nhà. Đối với người Việt, chữ "Lộc" là biểu tượng cho sự thịnh vượng, hạnh phúc. Người dân vào những ngày đầu xuân năm mới cũng có tục lệ đi hái lộc với ý nghĩa rước tài lộc, may mắn về nhà.
Chữ "Phúc" để cầu hạnh phúc: Chữ "Phúc" tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn thể hiện mong muốn có cuộc sống no đủ, sung túc cho gia chủ. Đã từ lâu, chữ "Phúc" là biểu tượng phổ biến được trang trí trong nhà.
Chữ "Thọ" để chúc thọ ông bà: Chữ "Thọ" biểu tượng cho sự sống lâu trăm tuổi. Người xin chữ này thường mong muốn có một cuộc sống ấm no, mạnh khỏe, tránh tai ương. Chữ "Thọ" thường được các bạn trẻ xin về để chúc thọ ông bà, cha mẹ với mong muốn gia đình mạnh khỏe, sung túc và thể hiện lòng thành kính với bậc bề trên.
Chữ "Tâm" với hàm ý chỉ sự yên bình: Chữ "Tâm" mang ý nghĩa Phật giáo sâu sắc trong đời sống tâm linh của người Việt: Muốn con người tu dưỡng đạo đức để cho tâm được thanh tịnh, xóa hết dục vọng, ích kỷ, hận thù, để có một cuộc sống thanh thản, yên bình.
Chữ "Đức" để răn dạy bản thân: Chữ "Đức" là biểu trưng cho đạo đức, nét đẹp của con người. Người xin chữ "Đức" vốn để răn dạy cần phải sống thực với chính bản thân mình, làm đúng với lương tâm để luôn được thanh thản.
Chữ "Tài" chứng tỏ khả năng: Chữ "Tài" biểu trưng cho tài năng, là khả năng làm được việc chất lượng nào đó, thể hiện mong muốn thành đạt trong cuộc sống của người xin chữ. Chữ "Tài" cũng là lời chúc thành đạt.
Chữ "An" tượng trưng cho bình an, với mong muốn cuộc sống an lành, hạnh phúc. "An" là chữ được xin nhiều nhất để treo trong nhà. Từ xưa, không chỉ được xin trong ngày Tết, chữ "An" là biểu tượng thường được thêu lên tranh để làm vật trang trí trong nhà của nhiều gia đình.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nen-xin-chu-gi-dau-nam-tan-suu-2021-d495838.html