Nét riêng biệt về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong thơ Tố Hữu

Nhắc về Tố Hữu là nhắc đến ngọn cờ đầu của nền văn học cách mạng, cánh chim đầu đàn của thi ca kháng chiến suốt mấy chục năm, từ trước năm 1945 đến ngày thống nhất Bắc Nam, giải phóng dân tộc.

Sự nghiệp thi ca mà Tố Hữu để lại như một cuốn biên niên sử đầy tự hào của thế kỷ XX, một nhà thơ luôn đồng hành cùng thời đại, đất nước và nhân dân. Một trong những đề tài, hình tượng nổi bật trong thơ Tố Hữu chính là Bộ đội Cụ Hồ.

Từ tập thơ đầu tay “Từ ấy” (1937 - 1946) đã xuất hiện những người lính kiên trung, vượt qua bao gian nan thử thách ở chốn ngục tù bằng tinh thần và ý chí sắt đá: Đã đứng trong đoàn thể/Bênh vực lợi quyền chung/Sống chết có nhau cùng/Không được xa hàng ngũ/Không thể gì quyến rũ/Mua bán được lương tâm/Danh dự của riêng thân/Là của chung đồng chí (Con cá, chột nưa).

Từ tập thơ Việt Bắc (1946 - 1954) trở đi, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ mới được nhà thơ dành nhiều sự tập trung khắc họa hơn cả và trở thành một đề tài lớn xuyên suốt tập thơ Việt Bắc cũng như những tập thơ sau đó. Hình ảnh bộ đội hành quân hiện lên thật lãng mạn, hào sảng, là trung tâm của không gian. Tầm vóc con người như vượt lên mọi gian khó, đầy lạc quan tươi tắn: “Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều/Bóng dài trên dốc đỉnh cheo leo/Núi không đè nổi vai vươn tới/Lá ngụy trang reo với gió đèo” (Lên Tây Bắc). Người lính sẵn sàng băng qua hết thảy mọi khó khăn gian khổ để chiến đấu chống lại quân thù: “Núi kêu anh bộ đội lên đường/Lại những ngày đi vắt với sương/Ngô bung, xôi nhạt nước lưng bương/Đêm mưa rình giặc tai thao thức/Mùa lại mùa qua, rét nhức xương…”(Lên Tây Bắc).

 Nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: Tư liệu.

Nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: Tư liệu.

Trong hành trình của cuộc kháng chiến, bộ đội luôn được nhân dân yêu thương che chở, được các bà mẹ kháng chiến coi như những đứa con trong gia đình. Tình quân dân thắm thiết chính là một trong những đề tài nổi bật của tập thơ Việt Bắc: “Con đi trăm núi ngàn khe/Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm/Con đi đánh giặc mười năm/Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi” (Bầm ơi).

Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một tượng đài lộng lẫy hào hùng trong khúc tráng ca “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” tạc mãi vào năm tháng, là bài chiến thắng khải hoàn, ca ngợi lòng dũng cảm vô song, ý chí kiên cường bất khuất của con người Việt Nam: “Những đồng chí thân chôn làm giá súng/Đầu bịt lỗ châu mai/Băng mình qua núi thép gai/Ào ào vũ bão/Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/Nát thân, nhắm mắt, còn ôm”. Chính sự hy sinh của những người chiến sĩ anh hùng ấy đã mang lại sức sống trường tồn và bất diệt cho cả dân tộc: “Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”. Những người lính anh hùng tuyệt vời là thế nhưng thực ra lại cũng rất đỗi giản dị, rất đỗi gần gũi và đời thường như một người anh trong mỗi gia đình: “Hoan hô anh Giải phóng quân/Kính chào anh con người đẹp nhất/Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất/Sống hiên ngang, bất khuất trên đời/Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi/Một dây ná, một cây chông cũng tấn công giặc Mỹ/Không tự ngắm mình, anh chẳng hay đâu, hỡi chàng dũng sĩ/Cả năm châu chân lý đang nhìn theo/Bóng Anh đi và vành mũ tai bèo/Của anh đó!/Ôi chiếc mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ” (Bài ca xuân 68).

Ngày toàn thắng thống nhất cũng đến, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vẫn giản dị yêu thương như năm nào. Nhưng chính những con người ấy đã làm nên lịch sử, làm nên một thời đại mang tên Hồ Chí Minh: Vẫn là Anh, Anh Giải phóng quân/Vẫn đôi dép cao su, đánh giặc suốt ba mươi năm, lội khắp sông sâu rừng thẳm/Thuở anh đi sắc nhọn ngọn tầm vông/Giản dị như chàng trai làng Gióng/Vũ khí chính là Anh, lòng yêu thương mênh mông/Vũ khí chính là Anh, lửa căm hờn nóng bỏng/Tổ quốc cho Anh dòng sữa tự hào/Thời đại cho Anh ánh sao trí tuệ/Không có gì quý hơn độc lập tự do...Khí phách Anh là Trường Sơn thanh cao/Rất mãnh liệt và cũng rất dịu dàng, tâm hồn Anh là muôn trùng sóng bể/…Lịch sử sang Xuân/ Anh vào trận cuối cùng/Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo quân đi cuồn cuộn (Toàn thắng về ta)

Chất hào hùng mà bình dị, lãng mạn mà gần gũi yêu thương đã làm nên nét riêng biệt về hình tượng người lính - Bộ đội Cụ Hồ trong thơ Tố Hữu. Khi hòa bình đã về khắp non sông nước Việt, hình ảnh người lính lại đi vào những câu lục bát với một giọng điệu thật ngọt ngào, tha thiết và bình yên, như thể những reo ngân chiến thắng và ngợi ca còn vang mãi không bao giờ dứt: Núi này Bạch Mã, Hải Vân/Mây đưa anh Giải phóng quân lên đèo/Biển này, cửa Thuận sóng reo/Thanh thanh vành mũ tai bèo là em (Bài ca quê hương, tháng 5-1975).

TS ĐỖ ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/net-rieng-biet-ve-hinh-tuong-bo-doi-cu-ho-trong-tho-to-huu-639828