Nếu bà Kamala Harris thắng cử sẽ ảnh hưởng thế nào tới Đông Nam Á?

Hiện nay, rất khó để đánh giá mức độ quan tâm thực sự của bà Kamala Harris đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ảnh: Bloomberg

Ảnh: Bloomberg

Cho đến nay, khung chính sách ngoại giao của bà Harris tương đối mơ hồ, không chỉ tại Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương, mà thậm chí với thế giới. Điều này có thể được lý giải bởi việc bà Harris được kỳ vọng sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại của chính quyền Biden, tập trung vào việc củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác trong khu vực và đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Tuy nhiên, so với ông Trump, cách tiếp cận của bà Harris sẽ tập trung hơn vào việc thúc đẩy hợp tác an ninh - đặc biệt với Philippines, đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, việc bà Harris tiếp tục chính sách ủng hộ Philippines mạnh mẽ có thể khiến tình hình trở nên phức tạp.

Phó Tổng thống Kamala Harris được coi là một người có kinh nghiệm ngoại giao không nhiều và bà đã dành thời gian dưới ông Biden để học hỏi công việc. Trong ba năm qua, Harris thường xuyên tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, và có 5 chuyến công du đến khu vực, bao gồm Việt Nam, Singapore, Philippines, và Indonesia. Bà đã gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr sáu lần và từng đến thăm Philippines, bao gồm cả bang Palawan.

Mặc dù bà Harris đã cố gắng thể hiện rằng các chuyến công du này phản ảnh sự ưu tiên của bà đối với khu vực, nhưng điều này có thể minh chứng rằng Phó Tổng thống chỉ được giao những nhiệm vụ ít quan trọng, chẳng hạn như một vài nhà quan sát nói về việc bà tham gia Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 2023 tại Jakarta. Bên cạnh đó, bà Harris chỉ đơn thuần đại diện cho chính sách của chính quyền Biden. Vì vậy, rất khó để đánh giá mức độ quan tâm thực sự của Harris đối với Đông Nam Á.

Điều này cũng nêu lên một câu hỏi liệu đội ngũ cán bộ quản lý chính sách Đông Nam Á của bà Harris có đủ khả năng quản lý chính sách của Mỹ trong khu vực, khi đây không phải là mục tiêu hàng đầu của bà không? Có lẽ câu trả lời nằm trong liệu bà Harris có khả năng giữ lại những nhân sự chủ chốt như Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell, người đóng vai trò chính trong chiến lược châu Á của chính quyền Biden, hay không. Bà đã bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại ASEAN, Yohannes Abraham vào nhóm chuyển giao quyền lực Tổng thống của mình. Ông Abraham mang đến những kinh nghiệm quý báu về khu vực, nhưng việc bổ nhiệm này, vốn đã khiến ông phải rời Jakarta, cũng cho thấy chức danh Đại sứ tại ASEAN dường như không còn được Mỹ coi trọng. Vị trí này đã bị bỏ trống trong gần 5 năm cho đến khi ông Abraham nhậm chức vào năm 2022.

Trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, mặc dù Kamala Harris trước đây đã từng phản đối các Hiệp định thương mại như Hiệp định Hoa Kỳ - Mexico - Canada (UCMAS) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bà có thể sẽ tiếp tục cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden trong việc mở rộng quan hệ thương mại với khu vực.

Điều đó có nghĩa, đối với những sáng kiến như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), trong khi bà Harris sẽ có thể cam kết duy trì trụ cột của quan hệ Mỹ - ASEAN là thương mại và hợp tác phát triển, thì bà cũng có thể yêu cầu thực thi các tiêu chuẩn về môi trường và bảo vệ lao động nghiêm ngặt hơn. Khi xét đến việc IPEF thường bị xem là yếu và thiếu các lợi ích thực sự cho các quốc gia Đông Nam Á, những yêu cầu này sẽ khiến các cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn.

Quan điểm chính trị của bà Harris dường như tiến bộ hơn so với ông Trump, hay thậm chí so với ông Biden, đã khiến một vài nhà phân tích đặt câu hỏi chính quyền của bà sẽ tăng cường việc thúc đẩy các giá trị phương Tây ở Đông Nam Á hay không. Họ cũng hỏi, nếu bà làm vậy, điều này sẽ đặt những rào cản như thế nào trong mối quan hệ của Mỹ với các quốc gia trong khu vực? Nếu Harris muốn lặp lại những thành công Biden đã đạt được ở Châu Á – Thái Bình Dương, bà khó có thể để các giá trị riêng cản trở việc thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia Đông Nam Á.

Ngược lại, quan điểm khoan dung hơn của bà Harris về xung đột Israel - Hamas, được minh chứng bởi những lời chỉ trích công khai của bà đối với chính quyền Netanyahu tại Israel, có thể giúp Mỹ cải thiện hình ảnh tại các quốc gia Hồi giáo như Indonesia và Malaysia. Việc chính quyền Biden ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến của Israel với Hamas đã có nhiều ảnh hưởng đến cách người dân các nước này nhìn nhận Mỹ.

Như vậy, trong khi các đồng minh của Mỹ sẽ chào đón viễn cảnh các chính sách của chính quyền ông Biden tiếp tục, thì hầu hết các quốc gia Đông Nam Á dường như chưa biết thế nào nếu bà Harris thắng cử. Những quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ chờ xem Đông Nam Á nằm ở đâu trong danh sách ưu tiên của bà Kamala Harris.

Ảnh hưởng kinh tế với Việt Nam

Mặc dù một số nhà quan sát cho rằng bà Harris sẽ có cách tiếp cận thân thiện và cởi mở hơn với Đông Nam Á trên nhiều phương diện, nhưng tương tự như ông Trump, tác động lớn nhất từ chiến thắng của bà đối với Việt Nam sẽ nằm ở lĩnh vực kinh tế và thương mại. Một lợi thế lớn mà Việt Nam đã đạt được nhờ chính sách ngoại giao tự chủ và đa phương hóa là chính quyền Biden đã nỗ lực không ngừng để tăng cường quan hệ song phương với Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của bà Harris, Mỹ có thể tiếp tục thúc đẩy các chương trình hợp tác và đầu tư vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước. Việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ cao và chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nếu bà Harris tiếp tục duy trì các chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc như dưới thời Tổng thống Biden, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp Mỹ lựa chọn Việt Nam làm điểm sản xuất an toàn, nhờ môi trường đầu tư ổn định và lực lượng lao động dồi dào.

Việc nâng cấp quan hệ ngoại giao dưới thời Tổng thống Biden đã tạo hiệu ứng tích cực lên dòng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam, đạt khoảng 626 triệu USD, tăng so với các năm trước. Không phải đối mặt với nguy cơ bị áp mức thuế quan 10-20% mà ông Trump từng cam kết sẽ áp dụng lên mọi mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ sẽ có thêm động lực và sự tự tin để tiếp tục đầu tư vào Việt Nam dưới thời bà Harris.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng chính quyền Biden đã triển khai các chính sách bảo hộ nhằm đưa hoạt động sản xuất, đặc biệt là công nghệ cao, quay trở lại Mỹ. Tiêu biểu là Đạo luật CHIPS với những ưu đãi dành cho ngành bán dẫn. Chính sách bảo hộ của cả ông Trump và Biden đều nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri Mỹ, đặc biệt là tầng lớp lao động. Nếu bà Harris thắng cử, bà sẽ có nhiều lý do để duy trì các chính sách này, bởi việc bảo vệ công ăn việc làm và sản xuất trong nước là yếu tố then chốt trong chiến lược thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tự chủ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài. Đây là điểm quan trọng mà Việt Nam cần lưu ý, dù người đắc cử là ông Trump hay bà Harris.

Phạm Vũ Thiều Quang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/neu-ba-kamala-harris-thang-cu-se-anh-huong-the-nao-toi-dong-nam-a-2339074.html