Nếu bão lớn vào TP HCM, 250.000 người phải sơ tán
Nếu bão cấp 9 đổ bộ trực tiếp vào TP HCM, trên địa bàn thành phố phải di dời hơn 241.000 người; còn bão mạnh cấp 12, số người sơ tán lên đến 250.000 người.
Theo phương án phòng tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố vừa được UBND TP HCM ban hành, nếu bão mạnh cấp 8-13 có khả năng ảnh hưởng đến thành phố thì khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là huyện Cần Giờ và Nhà Bè.
Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ
Khi bão mạnh đến cấp 12-13, huyện Cần Giờ phải sơ tán dân dự kiến khoảng 12.725 người, trong đó di dời toàn bộ nhân dân trên địa bàn xã đảo Thạnh An với 1.200 hộ gồm 4.580 người.
Các xã còn lại giáp sông, biển, kênh rạch cũng phải di dời dân với quy mô lớn như: xã Long Hòa, Lý Nhơn, thị trấn Cần Thạnh, xã Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông…
Còn tại huyện Nhà Bè, sẽ tổ chức di dời, sơ tán các hộ dân sống ven kênh, sông, rạch có khả năng ảnh hưởng nước dâng do bão, gồm các xã Phú Xuân, Long Thới, Hiệp Phước, thị trấn Nhà Bè, xã Nhơn Đức, Phước Lộc, Phước Kiển với tổng số dân lên đến 20.400 người
Các quận, huyện còn lại tổng cộng di dời, sơ tán khoảng 216.000 người.
Lực lượng dự kiến huy động từ các sở, ngành, đơn vị thành phố đến quận - huyện, phường - xã, thị trấn tham gia công tác phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào thành phố đảm bảo khoảng 29.000 đến 30.000 người.
Trong đó, lực lượng chuyên trách cấp thành phố khoảng 4.000 người; lực lượng của quận - huyện khoảng 9.000 đến 10.000 người và lực lượng của ban - ngành, đoàn thể, dân quân, thanh niên xung kích, tình nguyện viên tại các xã - phường - thị trấn khoảng 16.000 người. Tùy theo tình hình diễn biến và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của bão.
Khi có dự báo bão đổ bộ vào TP HCM, bên cạnh việc sơ tán dân, UBND TP HCM cũng yêu cầu các quận - huyện và sở ngành liên quan trực ban 24/24 để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Trước đó, Sở Tài nguyên Môi trường (TN&MT) TP HCM nhận định: “Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu số cơn bão đổ bộ hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến Nam Bộ có xu hướng tăng… Vì vậy, có thể nói trong tương lai, bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào TP HCM sẽ không còn là chuyện lạ”.
Sở TN&MT TP HCM cho rằng theo đánh giá của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, khu vực bão đổ bộ vào Việt Nam có xu hướng lùi dần về phía Nam, số cơn bão rất mạnh cũng có xu hướng gia tăng. Mùa bão có dấu hiệu kết thúc muộn hơn trong thời gian gần đây, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của bão có xu hướng tăng mạnh.
Nguyễn Hiển (Năng lượng Mới)