Nếu dịch bùng phát trở lại, VitaJean sẽ phá sản
Đó là tâm sự của ông PHẠM VĂN VIỆT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM với ĐTTC, khi nói về ảnh hưởng của dịch Covid-19 với VitaJean nói riêng và ngành may nói chung. Theo ông Việt, VitaJean vẫn cầm cự được nhưng nếu dịch quay trở lại Mỹ, châu Âu (những thị trường xuất khẩu chính) thì đóng cửa, phá sản là điều khó tránh khỏi.
PHÓNG VIÊN: - Ông có thể chia sẻ tình hình của VitaJean ở cả 2 mảng xuất khẩu và thị trường trong nước hiện nay?
Ông PHẠM VĂN VIỆT: - Ở mảng xuất khẩu (chiếm hơn 95% thị phần của VitaJean) suốt những tháng qua gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là khó khăn về nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Khi khó khăn này vừa được giải quyết, đầu ra cho sản phẩm lại bị tắc khi dịch Covid-19 bùng phát ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ, khiến đơn hàng cũ bị ngưng đọng, đơn hàng mới không có, nhất là tồn kho tăng cao do chúng tôi làm các mặt hàng thời trang theo mùa. Đến đầu tháng 6 chúng tôi mới bắt đầu xuất khẩu trở lại cho thị trường Mỹ, nhưng cũng chỉ là đơn hàng cũ và lượng xuất khẩu còn rất hạn chế.
May mặc là một trong những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì tâm lý chung của người tiêu dùng khi có dịch sẽ tiết kiệm, giảm mua sắm, nhất là các mặt hàng thời trang. Trong 2 quý đầu năm chúng tôi thiệt hại khoảng 70% doanh thu. Kỳ vọng từ tháng 9 nếu dịch không quay trở lại các nước Mỹ, châu Âu, tình hình của doanh nghiệp (DN) sẽ khá hơn. Nhưng nếu dịch trở lại việc dừng hoạt động, phá sản là khó tránh khỏi.
Để giải quyết việc làm và ổn định lương cho hàng ngàn lao động, VitaJean đã chuyển qua may khẩu trang vải kháng khuẩn để xuất khẩu qua châu Âu, Mỹ. Mỗi ngày chúng tôi sản xuất được 500.000 đến 1 triệu khẩu trang. Ngoài ra, thời gian này nhờ tìm được nguồn cung ứng nguyên liệu có giá ổn định, chúng tôi sẽ sản xuất thêm quần áo y tế, sản phẩm các đối tác cũng đang cần.
Tuy nhiên việc sản xuất khẩu trang hay quần áo y tế chỉ giải quyết việc làm cho phần lớn công nhân làm may theo cách thức truyền thống. Với lượng công nhân làm ở những dây truyền hiện đại chúng tôi đầu tư những năm gần đây, hiện vẫn chỉ sản xuất những đơn hàng cũ, lượng công việc cũng rất ít.
Ở mảng nội địa vốn chiếm thị phần khá khiêm tốn, đợt dịch vừa rồi cũng bị thiệt hại khoảng 70% doanh thu do sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh. Chúng tôi đã đẩy mạnh bán online với nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại để thu hút người tiêu dùng. Hiện VSixty Four đang cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu lớn trong mảng denim quốc tế như Levi’s hay Calvin Klein.
Làm hàng thời trang phải hiểu xã hội học mới bền vững, chúng tôi tự tin am hiểu thói quen, hành vi cũng như form của người Việt… Đặc biệt, nếu như trước đây người tiêu dùng rất chuộng hàng ngoại nay hàng nội đang có nhiều cơ hội cạnh tranh công bằng. Tất nhiên khi đang làm mạnh xuất khẩu, nay chuyển sang hàng nội địa cũng là thách thức lớn đối với chúng tôi, ngoài xây dựng thương hiệu, chinh phục người tiêu dùng, là hành trình gian nan chống hàng giả, nhái.
- Việc đầu tư công nghệ 4.0 trong sản xuất ở VitaJean có phải để đón đầu các hiệp định thương mại tự do, gần đây nhất là EVFTA, thưa ông?
- EVFTA là hiệp định được nhiều ngành hàng, trong đó có dệt may mong chờ từ vài năm nay. Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thời gian qua có nhiều buổi thảo luận, chia sẻ với DN. Song trên thực tế khi hiệp định đã được EU và Việt Nam thông qua, đầu tháng 8 tới chính thức có hiệu lực, vẫn còn không ít DN ngành dệt may lúng túng về các quy định xuất xứ nguyên liệu, đầu tư công nghệ hay trách nhiệm xã hội… mà EU đòi hỏi tính minh bạch rất cao.
Thí dụ, việc đầu tư những dây truyền công nghệ 4.0 không chỉ giảm lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, còn giải quyết vấn đề môi trường đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu. VitaJean đã đầu tư công nghệ mới từ khoảng 4 năm nay cho các nhà máy tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Đặc biệt nhà máy tại Đồng Nai tự động cao nhất tại hầu hết công đoạn từ wash, xử lý laser, chà xù trên sản phẩm jean và một phần ở công đoạn may. Chúng tôi đã đầu tư khoảng 25 triệu USD cho các dây truyền tự động hóa này ở cả 3 nhà máy. Với việc đầu tư này, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, từ mức thuế 16-18% chúng tôi sẽ được hưởng ngay thuế 12%.
Cũng phải nói thêm thị trường châu Âu rất chuộng hàng may thời trang và đây cũng là thế mạnh của chúng tôi. Nếu đáp ứng được nhu cầu của thị trường châu Âu, lợi nhuận khi xuất khẩu qua thị trường này cũng khá tốt.
Lợi ích từ việc đầu tư công nghệ là điều ai cũng nhìn thấy, nhưng không phải DN dệt may nào cũng có thể làm được. Hiện nay chỉ khoảng 2% DN trong ngành đầu tư công nghệ hiện đại, vì phần lớn DN vẫn làm gia công, lợi nhuận thấp không thể tái đầu tư.
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu may mặc thứ 3 thế giới, nhưng 50% công ty may vẫn đang thực hiện phương thức sản xuất đơn giản nhất là cắt may gia công (CMT) có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi dệt may. Hiện chỉ có 5% làm được hàng theo phương thức ODM (chủ động nguyên phụ liệu và tham gia thiết kế).
Vì thế, trong khoảng 20% DN đang xuất hàng vào EU hiện nay sẽ chỉ khoảng 5% DN có thể đạt mức giảm thuế cao khi EVFTA có hiệu lực. Song tôi cũng tin rằng hiệp định này sẽ là động lực để nhiều DN chuyển mình. Đầu tư công nghệ phải chấp nhận đi trước, không thể ngồi chờ khách hàng thúc đẩy mình mới chuyển động, như vậy sẽ không theo kịp nhu cầu của khách hàng.
- Trong đợt dịch Covid-19 VitaJean có nhận được hỗ trợ nào của Nhà nước và ông kỳ vọng có những chính sách nào đối với ngành dệt may để hỗ trợ DN?
- Khi dịch Covid-19 bùng phát nhiều DN gặp khó khăn, Chính phủ đã có những chương trình hỗ trợ DN. Có những chương trình chúng tôi chưa tiếp cận được, nhưng cũng có những hỗ trợ tại nhiều địa phương đã tới với VitaJean.
Song bằng tích lũy nhiều năm qua, VitaJean vẫn đang tự mình vượt qua khó khăn để có thể dành phần hỗ trợ ấy cho DN khó hơn. Còn về chính sách cho ngành, thực tế chúng tôi mong mỏi Chính phủ sẽ có những chính sách nhất quán, cơ chế thông thoáng từ trên xuống, tránh trường hợp trên nóng nhưng dưới lạnh, giúp DN an tâm sản xuất, kinh doanh.