Nếu Fit 24 phá sản, hội viên thành chủ nợ khó đòi quyền lợi

Phía cổ đông lớn của Công ty cổ phần Fit 24 vẫn đưa ra lời hẹn về thời hạn mở cửa hoạt động trở lại hệ thống phòng tập này với đối tác liên quan, nhưng thời gian không còn nhiều.

Trong khi các hội viên của Fit 24 mong đợi chuỗi phòng tập này khắc phục được khó khăn, mở cửa trở lại, thì đến cuối tháng 10/2024, đã có những thông tin ban đầu về khả năng chuỗi phòng tập Fit 24 đóng cửa hoàn toàn, tức Công ty cổ phần Fit 24 - chủ sở hữu chuỗi phòng tập phải thực hiện thủ tục phá sản vì không còn khả năng thanh toán các khoản nợ.

Hiện tại, Fit 24 không chỉ nợ lương nhân viên, mà còn nợ cả tiền thuê mặt bằng phòng tập. Nếu sau 1 tuần nữa, đến hết tháng 10/2024, Fit 24 vẫn không thể tìm được nguồn tài chính mới để mở cửa trở lại thì khả năng đóng cửa hoàn toàn, phá sản công ty có khả năng xảy ra rất cao, vì Fit 24 không thể chiếm dụng mặt bằng thuê quá lâu, phát sinh thêm chi phí.

Trong khi đó, theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, phía cổ đông lớn của Công ty cổ phần Fit 24 vẫn đưa ra lời hẹn về thời hạn mở cửa hoạt động trở lại hệ thống phòng tập này với đối tác liên quan trong tháng 10. Thời gian không còn nhiều, trong khi Fit 24 cần có nguồn tiền tươi bơm vào tức thời, chí ít cũng đủ để thanh toán các khoản nợ mặt bằng, trả lương một phần cho nhân viên và trả các chi phí vận hành khi mở cửa lại các phòng tập.

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp được công nhận là phá sản khi đồng thời thỏa mãn 2 điều kiện: Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán các khoản nợ, tức là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và doanh nghiệp bị tòa án nhân dân tuyên bố phá sản.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, khi doanh nghiệp phá sản thì tài sản của doanh nghiệp sẽ được lập danh sách kiểm kê và phân chia theo thứ tự quy định. Ưu tiên trước hết là các khoản nợ có đảm bảo, đến chi phí phá sản, sau đó tới những khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động. Tiếp đó mới đến khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản, sau đó là nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và các khoản nợ (không có bảo đảm) cho các chủ nợ.

Theo PGS.TS Bùi Xuân Hải, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trường hợp các khách hàng mua thẻ hội viên của Fit 24, thì phải căn cứ vào hợp đồng để xác định quyền lợi của các bên. Khách hàng mua thẻ hội viên mà còn giá trị thời hạn sử dụng, nhưng Fit 24 đóng cửa nên không thể sử dụng được nữa, thì có thể xác định giá trị còn lại của thẻ tập, ghi nhận đấy là khoản nợ không có bảo đảm.

Nhưng việc xác định giá trị bằng tiền mà Fit 24 phải trả lại cho hội viên là bao nhiêu thì cần phải có bản án, quyết định của tòa án nhân dân. Theo pháp luật phá sản, việc trả các khoản nợ này xếp hạng cuối cùng trong thứ tự ưu tiên trả nợ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản.

Còn đối với hợp đồng mua gói tập với các huấn luyện viên cá nhân, ông Hải cho rằng, phải xem chủ thể hợp đồng bán gói tập là ai, nếu là Fit 24 thì có thể yêu cầu Fit 24 chịu trách nhiệm như với thẻ hội viên; còn nếu chủ thể hợp đồng là cá nhân huấn luyện viên thì yêu cầu người đó chịu trách nhiệm.

Được biết, khi làm thủ tục phá sản, doanh nghiệp phá sản chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản còn lại của doanh nghiệp, nếu như đến khoản nợ mà công ty không còn khả năng thanh toán nợ thì phần nợ đó sẽ không thể đòi được. Doanh nghiệp đã phá sản thì sẽ không có bất kỳ ai đứng ra làm đại diện để trả nợ.

Hợp đồng thiếu các điều khoản đảm bảo quyền lợi của hội viên trong tình huống công ty đóng cửa.

Hợp đồng thiếu các điều khoản đảm bảo quyền lợi của hội viên trong tình huống công ty đóng cửa.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, hợp đồng hội viên, gói tập với huấn luyện viên của các trung tâm tập gym thường rất đơn giản và thiếu các điều khoản bảo vệ khách hàng trong trường hợp tranh chấp xảy ra.

Một khách hàng tập tại chi nhánh Fit 24 Hồ Xuân Hương cho biết, đã ký hợp đồng tập luyện với huấn luyện viên cá nhân hơn 1 tháng trước khi hệ thống đóng cửa, nhưng chưa nhận được hợp đồng tập luyện có dấu của công ty, nên bây giờ không có hợp đồng để xem các điều khoản ký kết là gì.

Không ít khách hàng khác cũng chia sẻ, vì tin tưởng Fit 24 nên hợp đồng tập đã ký “để đâu mất”. Không ít hội viên mua thẻ tập, gói tập trị giá và số buổi tương ứng thời gian tập 1 đến 2 năm mới hết hạn. Dù vậy, tại Fit 24, có hệ thống sổ sách theo dõi buổi tập của hội viên và chấm công cho các huấn luyện viên nên hoàn toàn có thể truy xuất dữ liệu về quyền lợi thẻ hội viên và gói tập với PT của từng khách hàng.

Các hợp đồng tại Fit 24 đều đóng dấu không hoàn, không hủy.

Các hợp đồng tại Fit 24 đều đóng dấu không hoàn, không hủy.

Một số hội viên của Fit 24 tại quận 7, TP.HCM đã lên các hội nhóm cộng đồng người tập ở Fit 24 trên mạng xã hội, cho biết đã gửi đơn kiện Fit 24. Tài khoản FB không ẩn danh, quay clip cho biết một số người tập tại Fit 24 quận 7 bức xúc vì phòng tập bất ngờ đóng cửa, trong khi không có đại diện nào của Fit 24 làm việc với hội viên, những người mua thẻ hội viên, thẻ tập với huấn luyện viên cá nhân tại Fit 24.

Vấn đề gây bức xúc cho hội viên của Fit 24 là dù nợ lương nhân viên từ giữa tháng 5 và đang trong tình trạng tài chính khó khăn nhưng công ty vẫn lên các chương trình khuyến mãi với giá hấp dẫn hơn trước đó để bán thẻ hội viên, bán hợp đồng tập với huấn luyên viên cá nhân cho khách. Không ít khách hàng vừa mua thẻ tập, vừa mua gói tập được vài ngày thì nhận được thông báo chuỗi phòng tập này bất ngờ đóng cửa.

Minh Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/neu-fit-24-pha-san-hoi-vien-thanh-chu-no-kho-doi-quyen-loi-d228145.html