Nếu không muốn 38 tuổi đã phải phẫu thuật thay 2 khớp gối vì bị gout, hãy nghe lời khuyên của bác sĩ
Nam thanh niên B.X.T ở Hải Phòng được chẩn đoán bệnh gout khi mới 26 tuổi dù anh không có tiền sử nghiện rượu. 12 năm sau, anh đã phải phẫu thuật thay khớp gối 2 bên và đang quá trình tập luyện để dần trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường.
Các chuyên gia cho hay gout là một trong những bệnh lý về xương khớp phổ biến. Nếu như trước đây, gout được xem là bệnh của nam giới trên 50 tuổi thì ngày nay bệnh càng gặp nhiều ở người trẻ.
Thậm chí, nhiều người mắc bệnh gout khi chưa đến 30 tuổi. Nam thanh niên tên B.X.T ở Hải Phòng là một trường hợp như vậy. T. được chẩn đoán bệnh gout khi mới 26 tuổi dù anh không có tiền sử nghiện rượu.
Ca phẫu thuật thay khớp gối cho nam thanh niên bị gout tại BV Việt Đức
Theo chia sẻ của T., mắc bệnh gout đã 12 năm qua nhưng thời gian gần đây tại các khớp xuất hiện nhiều khối u phát triển ngày càng lớn khiến T. gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt như đi lại và cầm nắm.
Đã nhiều lần đi khám và uống thuốc điều trị nhưng rồi "đâu lại vào đấy". Lần này, quá sức chịu những cơn đau khi vận động, bệnh nhân đã đến thăm khám tại BV Việt Đức.
TS. BS Dương Đình Toàn – Viện Chấn thương chỉnh hình, BV Việt Đức cho biết: bệnh nhân B.X.T nhập viện trong tình trạng hạn chế vận động khớp gối hai bên tăng dần. Qua thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm, thoái hóa khớp gối hai bên do bệnh gout.
Bệnh nhân T. được phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối trái. Tiếp đến, gần cuối tháng 11/2021, bệnh nhân được thay tiếp khớp gối bên phải. Hiện tại sau mổ thay khớp gối hai bên, bệnh nhân T. đang quá trình tập luyện và dần trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường.
BS Dương Đình Toàn cho biết thêm, trường hợp của bệnh nhân T. là hậu quả của tăng axit uric máu. Axit uric có vai trò kích thích não bộ phát triển và là chất chống oxy hóa tốt.
Thiếu axit uric có thể gây suy giảm khả năng tổng hợp một số chất trong cơ thể.
Tuy nhiên, nếu nồng độ axit uric trong máu tăng, axit uric sẽ lắng động, tạo thành các tinh thể muối urat tại khớp và mô mềm quanh khớp sẽ gây phá hủy sụn khớp, đầu xương, thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp thứ phát, hậu quả làm viêm, dính, biến dạng khớp, mất chức năng vận động của khớp.
Tinh thể urat lấy ra từ khớp gối của bệnh nhân sau ca phẫu thuật
Theo các bác sĩ, hầu hết người bệnh mắc gout thường xem nhẹ tình trạng bệnh nên thường đi khám muộn. Nếu bệnh gout không được điều trị sớm, đúng cách không chỉ gây tổn thương nặng nề ở khớp, làm giảm và mất chức năng vận động mà còn gây sỏi thận, lâu dài có thể gây suy thận....
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, ngay khi có các triệu chứng sưng đau các khớp, đặc biệt là khớp bàn ngón 1 ở bàn chân, người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế thăm khám, phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Khi người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh gout cần kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, phối hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học nhằm kiểm soát các triệu chứng và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Thái Bình